Tiến sĩ 8x và giấc mơ tỷ đô trên đất Mỹ

Thành công ở Silicon Valley (Mỹ) đã khó nhưng Got it còn nhanh chóng giữ vị trí thứ 2 về phần mềm giáo dục được tải nhiều nhất trên đất Mỹ. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Got It là tiến sĩ Trần Việt Hùng đến từ Giao Thủy, Nam Định.

Hành trình tới Silicon Valley

Tiến sĩ Trần Việt Hùng (SN 1980) tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2002. Thuộc thế hệ 8X năng động, ngay khi rời ghế nhà trường anh đã tham gia Vietkey Group, chịu trách nhiệm xây dựng phiên bản Linux đầu tiên của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Việt Hùng

Tiến sĩ Trần Việt Hùng

Mong muốn làm một điều gì đó khác biệt, mới mẻ, chàng trai Giao Thủy nghĩ đến du học. Anh xin nghỉ việc, tập trung học tiếng Anh để lấy các chứng chỉ TOEFL, GRE… với điểm số cao. Năm 2008, kỹ sư Trần Việt Hùng “săn” được học bổng toàn phần đi du học Mỹ.

Mặc dù đỗ tiếng Anh với số điểm cao nhưng đặt chân đến nước Mỹ, anh vẫn trong trạng thái không nghe, không hiểu, không nói được tiếng Anh. Chính khó khăn này đã giúp anh nảy ra ý tưởng hình thành một sàn giao dịch gia sư. Tutor Universe một "eBay cho gia sư" ra đời nhằm giúp sinh viên cũng như giáo viên, những người giỏi có thể hỗ trợ học viên mà không cần gặp mặt, hẹn trước. Vừa học thạc sĩ, Trần Việt Hùng vừa dẫn dắt Tutor Universe giành được rất nhiều giải thưởng và thu hút vốn đầu tư.

Năm 2013, sau khi nhận bằng tiến sĩ, Trần Việt Hùng chuyển công ty từ bang Iowa đến Silicon Valley. Anh đồng thời chuyển Tutor Universe thành Got It - một ứng dụng giáo dục điện thoại được xây dựng trên nền tảng hỏi – đáp. Tại Silicon Valley, Trần Việt Hùng phát triển Got It lọt top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple Store của Mỹ, đứng thứ 2, chỉ sau iTunesU năm 2016. Đến nay, nguồn vốn đầu tư vào Got It đã hơn 25 triệu USD.

Vượt ra khỏi nước Mỹ, Got It nhanh chóng tiếp cận hàng triệu người dùng có nhu cầu cung cấp kiến thức trên toàn thế giới. Đến nay, công ty có trụ sở tại 3 quốc gia: Silicon Valley (Mỹ), Ấn Độ và Việt Nam. Mục tiêu của TS Trần Việt Hùng là biến Got It trở thành hệ sinh thái, có sức ảnh hưởng toàn cầu, trong 5 năm tới cán đích 1 tỷ USD về giá trị.

Ươm mầm tài năng công nghệ toàn cầu

TS Trần Việt Hùng cho biết, Got It hiện đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam thông qua dự án STEAM for Vietnam. STEAM for Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận, cách thức vận hành, tăng trưởng giống như một startup công nghệ. Dự án hiện dạy lập trình miễn phí cho các trẻ em Việt Nam trên toàn cầu.

STEAM for Vietnam dành cho các học sinh từ 8 - 16 tuổi lần đầu tiên làm quen với lập trình máy tính. Các em sẽ được đào tạo tư duy máy tính, nhập môn khoa học máy tính, thiết kế và lập trình Robotics với VEX IQ. “Đặc sản” của STEAM for Vietnam là các thầy cô người Việt tài giỏi tại Mỹ, có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các vị trí cao trong các tập đoàn công nghệ lớn. Đặc biệt, trong danh sách giảng viên, còn mời một số nhà khoa học lớn nổi tiếng như TS Jeremy Frank đang làm việc ở NASA, hay các chuyên gia tới từ Đại học Harvard, Google, Microsoft...

Trần Việt Hùng với các kỹ sư trẻ tại chi nhánh Got It tại Hà Nội

Trần Việt Hùng với các kỹ sư trẻ tại chi nhánh Got It tại Hà Nội

Ý tưởng về việc dạy lập trình miễn phí cho trẻ em của nhà sáng lập Got It bắt đầu từ mùa hè năm 2019, khi có một cậu bé 13 tuổi – học sinh THCS ở Hà Nội – đến xin làm thực tập sinh phát triển phần mềm. Anh nhận ra, lứa tuổi từ 8 – 13 tuổi là độ tuổi vàng để học công nghệ. Bằng hình thức giáo dục Online kết hợp Offline, bất kỳ giáo viên giỏi ở đâu cũng có thể dạy học trực tuyến và bất kỳ học sinh ở đâu cũng đều có cơ hội được học các thầy giỏi.

Các khóa học của STEAM được thiết kế giống một show truyền hình nhằm tạo hiệu quả và kích thích khả năng sáng tạo của mỗi học sinh. Không chỉ dạy chuyên môn, dự án còn dạy các kỹ năng mềm khác như: khả năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao lưu toàn cầu… Sau mỗi khóa học, các em sẽ phải sáng tạo những sản phẩm cụ thể.

Chuyển giao hành trang cho người trẻ

TS Trần Việt Hùng quan niệm, ở lại nơi mình du học để lập nghiệp rồi trở thành người kết nối, trực tiếp tham gia đóng góp cho Việt Nam theo những cách khác nhau, đó cũng là một cách để "trở về".

Khóa đầu tiên của STEAM for Vietnam đã có 7.000 trẻ em Việt từ 34 quốc gia trên thế giới đăng ký học lập trình. Những khóa học tiếp theo, mỗi năm có hàng chục nghìn người đăng ký. Dự án còn dự kiến tổ chức “bus tour” cho các tình nguyện viên chạy dọc đất nước, vào các làng, bản dạy lập trình cho trẻ nhỏ, giúp các em làm quen với máy tính và mơ ước vươn ra thế giới.

Công nghệ có vai trò rất lớn trong thu hẹp khoảng cách giáo dục đối với mọi người dù ở bất cứ đâu trên thế giới. Những hội thảo dành cho giáo viên hay các buổi nói chuyện kết nối các bạn trẻ Việt Nam với các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới qua nền tảng của STEAM for Vietnam là cách giúp các bạn trẻ Việt nuôi dưỡng ước mơ.

Nếu không có công nghệ, sẽ chỉ có một bộ phận học sinh được tiếp cận giáo viên giỏi, một số khác chịu thiệt thòi hơn. Công nghệ có thể giúp nhiều học sinh Việt Nam bổ sung cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết mà không phải loay hoay mất nhiều thời gian như thế hệ trước đây. Khi ứng dụng công nghệ, số lượng giáo viên giỏi có thể được nhân rộng thông qua các phần mềm để một giáo viên có thể dạy và tương tác với nhiều học sinh.

TS Trần Việt Hùng cho rằng, lĩnh vực khoa học - công nghệ tạo rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, đặc biệt là đối với các bạn được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Có thể thấy những “ông lớn” công nghệ đã làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk… đều bắt đầu từ việc làm quen với máy tính và tiếp cận với việc lập trình từ độ tuổi lên 10. Vì vậy, khi có được sự định hướng đúng và sớm, các bạn trẻ Việt Nam sẽ phát huy được hết tiềm năng vốn có của mình. Các bạn trẻ ngày nay có lợi thế về ngoại ngữ nhiều hơn so với thế hệ trước. Điều này giúp thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận những kiến thức, tài liệu nước ngoài để bắt kịp xu hướng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong kỷ nguyên số.

Tổ chức STEAM for Vietnam hiện có rất nhiều tình nguyện viên ở các nơi trên thế giới. Họ là các chuyên gia, kỹ sư máy tính, kỹ sư phần mềm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Amazon,... Lý giải về dự án, TS Trần Việt Hùng cho biết, những dự án phi lợi nhuận như thế này ở Việt Nam không nhiều nhưng đối với những ai đã và đang học tập hay làm việc ở nước ngoài thì đều biết tinh thần “cho đi” khá là phổ biến. Hằng năm, mọi người thường dành một khoảng thời gian để làm công việc thiện nguyện. Có người đi trồng cây, có người đi xây nhà cho người vô gia cư. STEAM for Vietnam là một dự án hoạt động công ích như vậy.

Với nhiều kinh nghiệm về giáo dục, TS Trần Việt Hùng được mời tham gia vào Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định 782/QĐ-TTg). Anh là thành viên trẻ tuổi nhất trong 7 chuyên gia được chọn.

Theo Đời sống
Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số nông nghiệp

Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số nông nghiệp

Theo doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, đại dịch Covid-19 tuy nhiều khó khăn nhưng đã mở ra cơ hội về TMĐT, giao thương xuyên biên giới. Đặc biệt, chuyển đổi số nông nghiệp là một trong những chiến lược được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Về An Giang khám phá cù lao ông Chưởng

Về An Giang khám phá cù lao ông Chưởng

Cù lao Ông Chưởng được bao quanh bởi bốn mặt sông nước, đây không chỉ là điểm đến trải nghiệm lý tưởng với thiên nhiên trong lành xanh mướt, mà còn địa điểm nổi tiếng như một biểu tượng văn hóa hàng đầu của miền Tây trù phú.
back to top