Tận dụng hạ tầng, không làm thay đổi dòng chảy
Theo báo cáo của EVN, dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng; tổng công suất đặt 480MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh. Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt 2.400MW.
TS Đào Trọng Tứ, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước cho rằng, đây là dự án có tổng công suất đặt máy 480MW, công suất rất lớn, lớn hơn nhiều so với thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Thác Bà hay Rào Trăng 3, Rào Trăng 4... Công suất gấp hơn 1 lần thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Tuyên Quang với 3 tổ máy nhưng chỉ có công suất 342MW, tổng vốn đầu tư cũng lên tới 7.500 tỷ đồng, gấp 4 lần thủy điện Thác Bà 2, thủy điện này có công suất 108MW nhưng tổng mức đầu tư cũng lên tới 575 tỷ đồng. Việc tận dụng hạ tầng có sẵn của thủy điện cũ sẽ không gây tác động lớn tới dòng chảy và sinh kế người dân do sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62ha; trong đó có 69,30ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
“Dự án không phải làm đập, không phá rừng, không di dân, chỉ cần đào hầm, tạo nên hệ thống hoạt động với công suất lớn. Vì thế, không làm thay đổi, hay đụng chạm tới bất kỳ vấn đề gì liên quan tới môi trường, sự ổn định của dòng sông. Dự án lại tận dụng được lợi thế từ thiết kế thủy điện bậc thang từ Lai Châu, Sơn La, tới Hòa Bình, với hạ tầng có sẵn chỉ cần điều chỉnh hài hòa là đã tận dụng được tốt nhất nguồn nước, tạo nên nguồn điện lớn sau này”, TS Đào Trọng Tứ nhận định.
Chỉ còn vấn đề còn lại là thi công sao cho an toàn, tránh để xảy ra các sự cố đáng tiếc. Sau đó là phải bảo đảm an toàn cho hồ chứa và người dân cùng hạ du bởi khi nâng công suất hoạt động cũng đồng nghĩa với khối lượng tích trữ nước trong hồ lớn hơn, trong khi, thủy điện làm ngầm, do đó, quy trình vận hành cũng như các biện pháp an toàn phải được tính toán kỹ lưỡng.
An toàn hồ chứa phải đặt lên hàng đầu
GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý một số vấn đề khi tiến tiến hành mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đó là khi tăng dung tích chứa thì an toàn hồ chứa phải được tính toán cụ thể, đặc biệt là quy trình tích nước vào mùa lũ và xả nước vào mùa khô. Nếu nhà máy tích nước để tăng thêm công suất thì có tăng thêm lượng nước cho hạ du hay chỉ để phục vụ cho việc bán điện? Đây là điều rất quan trọng. Nếu nhà máy thủy điện tăng thời gian tích nước cho mùa khô trong khi người dân đang cần nước thì sẽ ảnh hưởng đến hạ du. Ngành nông nghiệp, thủy lợi phải tính toán những điều này để ít gây ảnh hưởng đến hạ du nhất.
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, Hòa Bình là thủy điện ngầm, khi nâng cao cao trình đưa nước lên thì cần tính đến an toàn của hồ chứa. Đập Hòa Bình chắn ngang sông Đà, do đó muốn mở rộng thì không có cách nào khác phải nâng cao trình đập. Vậy câu hỏi đặt ra là lúc ấy vấn đề an toàn của đập đối với hạ du sẽ như thế nào? Nếu như có những trận lũ khẩn cấp và mực nước dâng cao, hồ Hòa Bình làm thế nào để không ảnh hưởng đến hạ du? Những kịch bản này phải được tính toán cẩn thận để tránh xảy ra những thảm họa như một số công trình thủy điện khác.
Trước đó, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên bậc thang thủy điện Sông Đà đã đi kiểm tra thực địa tại tuyến công trình dự án Thủy điện Hòa Bình (mở rộng). Tham dự có các chuyên gia của Hội đồng, cùng với các chuyên gia độc lập. EVN đã nghiên cứu dự án này từ 10 năm nay và bắt đầu triển khai lập báo cáo nghiên cứu cách đây 5 năm. Mọi yếu tố về an toàn công trình, kỹ thuật, môi trường… đều được EVN tính toán và lựa chọn kịch bản tối ưu nhất.