Thương mại hóa 5G tại Việt Nam: Bài toán không đơn giản!

Tốc độ kết nối không dây siêu nhanh cùng khả năng hỗ trợ công nghệ tốt hơn sẽ giúp 5G thay đổi cách tương tác với máy tính hiện nay và thay đổi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới.
5g.jpg
5G có thể khiến mảng giải trí tương tác trở nên bình dân, không cần quan tâm tới thiết bị của người dùng.

Theo nghiên cứu của GSMA, đến năm 2030, 5G dự kiến sẽ tạo ra 960 tỷ USD cho GDP toàn cầu, trong đó 5G sử dụng phổ tần số trong băng tần trung chiếm gần 65%, với hơn 610 tỷ USD. Tốc độ kết nối không dây siêu nhanh cùng khả năng hỗ trợ công nghệ tốt hơn sẽ giúp 5G thay đổi cách tương tác với máy tính hiện nay và thay đổi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới.

Kỳ vọng từ thương mại hóa mạng 5G

Bà Trần Thuý Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, đến cuối tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định đến tận hộ gia đình. Hiện nay, tốc độ truy nhập internet di động tại Việt Nam ở khoảng 39 Mbp/s. Vì vậy, việc các nhà mạng chạy đua mở rộng các trạm phát sóng 5G, cung cấp tốc độ đường truyền trên 100Mbp/s, thì các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, khu nghiên cứu sẽ có nhiều điều kiện phát triển các công nghệ AI, IoT.

5G có thể khiến mảng giải trí tương tác trở nên bình dân, không cần quan tâm tới thiết bị của người dùng, hỗ trợ phát triển công nghệ game đám mây (cloud gaming) hiện nay, cho phép người chơi giải trí trên những siêu máy chủ ngay tại nhà mình giống như ngồi nhà xem phim trên Netflix, HBO Max, AppleTV… mà không cần phải tải về máy vậy.

Hiện ngày càng có nhiều ngôi nhà sử dụng hệ thống thiết bị được kết nối, các máy chủ tập trung xử lý dữ liệu được thu thập từ các thiết bị này sẽ làm tăng độ trễ xử lý và rủi ro về quyền riêng tư. Tuy nhiên, mạng 5G có thể giải quyết những thách thức đó bằng cách cho phép các thiết bị di động hoặc IoT xử lý dữ liệu trong phạm vi ngoại vi của mạng gia đình thay vì đám mây, điều này sẽ tăng cường quyền riêng tư và bảo mật, đồng thời giảm độ trễ.

Hai năm qua, có thể nói công nghệ 5G đã phát triển nhanh chóng và vượt xa các dự báo ban đầu của nhiều công ty công nghệ. 5G đang thay đổi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Với các mạng 5G thương mại phục vụ người tiêu dùng đã được triển khai trên toàn cầu, làn sóng mở rộng 5G tiếp theo sẽ mang lợi ích của tính di động, tính linh hoạt, độ tin cậy và bảo mật nâng cao tới mọi loại hình doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Cushman & Wakefield, hiện tại mặc dù số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (0,54%) trong 71 triệu thuê bao băng rộng di động (bao gồm 3G, 4G, 5G). Tuy nhiên, việc triển khai 5G tại một số thành phố lớn đã bắt đầu tác động đến thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ bất động sản (prop-tech) hai năm gần đây đã phát triển khá mạnh. Hiện cả nước đã có gần 60 doanh nghiệp prop-tech khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ như: định giá và phân tích, tài trợ tài chính, quản lý tài sản, quản lý thuê và cho thuê khách sạn… Đa số các doanh nghiệp đều sử dụng mạng 5G để quản lý và phân tích dữ liệu.

Theo Tổ chức Edtech Agency, việc phát triển 5G cũng đã giúp thị trường công nghệ giáo dục (Ed-tech) tại Việt Nam thu hút đầu tư từ nước ngoài khá mạnh. Lĩnh vực này đang được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào các Ed-tech khởi nghiệp đạt khoảng 20,2 triệu USD trong các năm 2020 - 2021 và sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 30 - 40% trong các năm tới thông qua các mô hình kinh doanh B2C (từ doanh nghiệp đến người dùng) và ứng dụng các công nghệ AI, AR, VR, Robot… dựa trên nền tảng 5G.

5g2.jpeg
Theo nghiên cứu của GSMA, đến năm 2030, 5G dự kiến sẽ tạo ra 960 tỷ USD cho GDP toàn cầu.

Thách thức từ hạ tầng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, mạng 4G đã phủ sóng 99,8% cả nước, riêng mạng 5G đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố với nửa triệu thuê bao. Trong đó, ngoài Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM; các nhà mạng đã tập trung phát triển 5G ở một số khu công nghiệp trọng điểm nhằm phục vụ doanh nghiệp, cung cấp những dịch vụ cần tốc độ cao hoặc đầu tư hạ tầng số cho các dự án thành phố thông minh.

Dự báo của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.

Khảo sát trải nghiệm tại một số địa điểm đã phủ sóng 5G tại TPHCM (như bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, Nhà văn hóa Thanh Niên…) cho thấy, tốc độ 5G của các nhà mạng đạt khoảng hơn 1 Gbp/s, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0. Việc kết nối 5G đã bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số hiện đại như các AI, IoT, robot... trong hoạt động sản xuất, thương mại.

Tuy nhiên, để thương mại hóa 5G thành công, Việt Nam còn nhiều bài toán cần được giải. Theo các chuyên gia, để có thể thương mại hóa 5G nhanh hơn, Việt Nam cần các yếu tố như băng tần phải đủ, công nghệ 5G phải chín muồi và đa dạng dịch vụ 5G, thiết bị đầu cuối phải nhiều và rẻ.

Đầu tư cho hạ tầng 5G cũng đang là vấn đề đang được quan tâm. Có thể thấy, trong bối cảnh chi phí đầu tư tăng cao, doanh thu viễn thông suy giảm, thì bài toán đầu tư 5G không hề đơn giản.

Ông Phan Văn Hòa, chuyên gia tại Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hầu hết các trạm di động hiện nay đều đã có sẵn các thiết bị 2G, 3G, 4G vì thế không còn nhiều không gian để lắp đặt các thiết bị 5G.

Ngoài ra, khi đấu nối thiết bị 5G, nguồn điện, anten thu sóng… đều cần phải nâng cấp, gây phát sinh chi phí lớn đối với các doanh nghiệp viễn thông. Theo tính toán của Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel, khác với mạng 4G, do mạng 5G có độ phủ sóng thấp nên để phủ sóng diện rộng doanh nghiệp cần xây dựng số lượng trạm small cell gấp 4 lần số trạm hiện tại.

Vì thế, chi phí đầu tư sẽ rất lớn, chưa kể các chi phí thuê địa điểm và mua điện để vận hành hệ thống điều hòa làm mát của nhà trạm. Hiện tại, thắt chặt chi tiêu, đầu tư sử dụng chung hạ tầng, mạng lưới đang là giải pháp để các nhà mạng bước đầu thực hiện tại Việt Nam.

Để thúc đẩy độ phủ sóng 5G tại Việt Nam, theo các chuyên gia của Huawei Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông nên tối ưu hóa chi phí bằng giải pháp xây dựng các trạm ngoài trời (outdoor). Doanh nghiệp này ước tính, nếu áp dụng giải pháp outdoor với mạng lưới 30.000 trạm small cell, có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành 133 triệu USD/năm.

Theo Huawei Việt Nam, việc Chính phủ thúc đẩy áp dụng 5G vào các dịch vụ công, nhất là bệnh viện, trường học sẽ tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp viễn thông mở rộng các hợp tác, nhận được các khoản tài trợ từ ngân sách. Bên cạnh đó, việc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào công nghệ sử dụng 5G bằng các ưu đãi thuế cũng sẽ khiến nhu cầu 5G tăng nhanh, hệ sinh thái 5G có điều kiện thiết lập ở các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi doanh nghiệp tập đoàn lớn, tạo sự cạnh tranh và lan tỏa trong xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực cho nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Với mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, 5G kỳ vọng sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030.

Theo Đời sống
back to top