Thuốc trị viêm mũi dị ứng do phế khí hư

Theo y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng phát sinh do 2 nguyên nhân: công năng tạng phủ (chủ yếu là phế, tỳ, thận) bị rối loạn; bị phong hàn, tà khí xâm nhập. Hai yếu tố này có thể phối hợp với nhau, khiến phế khí hư nhược, sức đề kháng giảm sút, dễ sinh bệnh. Việc trị liệu phải tùy thuộc vào biểu hiện bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh.

Ảnh minh họa

Viêm mũi dị ứng là một bệnh rất thường gặp với cơ chế bệnh sinh là tình trạng mẫn cảm đặc biệt của cơ thể, phản ứng bất thường và quá mức sau khi tiếp xúc với một dị nguyên nhất định. biểu hiện trên lâm sàng bằng ba triệu chứng chính là hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi. Trong y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi các chứng “tỵ cừu”, “tỵ trất”…

Thông thường, người ta căn cứ vào các triệu chứng cụ thể mà phân thành nhiều thể bệnh khác nhau và tiến hành trị liệu theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” của y học cổ truyền. Chẳng hạn, với biểu hiện “phế khí hư nhược, cảm thụ phong hàn” cần dụng pháp trị: ôn phế cố biểu, khu phong thông khiếu. Biểu hiện của bệnh: ngứa mũi, hắt hơi, tắc mũi và chảy nước mũi tăng lên vào buổi sáng sớm khi gió lạnh, sắc mặt trắng nhợt, đoản khí, dễ vã mồ hôi, sợ lạnh, hay bị cảm mạo, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư nhược.

Phương dược: “Ngọc bình phong tán” hợp “Thương nhĩ tử tán” gia giảm gồm: hoàng kỳ 30g, bạch truật 15g, phòng phong 9g, bạch chỉ 10g, tân di 15g, thương nhĩ tử 10g, thạch xương bồ 10g, ngũ vị tử 9g, đại táo 15g, tế tân 3g, chích thảo 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Phương giải: Ngọc bình phong tán ích khí cổ biểu, trong đó hoàng kỳ ích khí cổ biểu, bạch truật kiện tỳ phù chính, phòng phong khu tán phong tà. Thương nhĩ tử tán trừ phong thông khiếu, trong đó tân di và thương nhĩ tử tán phong hàn thông tỵ khiếu, bạch chỉ khu phong chỉ thống thông khiếu, ngũ vị tử và đại táo liễm phế chỉ thế hòa dinh, tế tân và thạch xương bồ ôn phế, khu phong thông khiếu. Toàn phương hợp dụng để đạt mục đích ôn phế bổ khí, hòa dinh, cố biểu, sơ phong thông khiếu.

Gia giảm: Nếu tắc mũi nhiều gia xuyên khung, địa long để hoạt huyết khu phong thông tỵ khiếu. Nếu khí đoản, khái thấu gia ma hoàng, hạnh nhân, tô tử để định suyễn chỉ khái. Nếu nước mũi trắng dính hoặc vàng gia hoàng cầm, cúc hoa để thanh nhiệt.

ThS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền BV TWQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top