Thực phẩm ăn dễ "ghiền" gây bệnh sán lá gan

Nhiều người bị sán lá gan do nghiền ăn những món khoái khẩu như gỏi cá, gỏi tôm, rau sống… Sán lá gan nặng có thể gây xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, cổ trướng với kích thước gan to gấp 2-3 lần bình thường – gây ung thư gan.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn, tất cả đều có thói quen ăn rau sống. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, nữ chiếm đa số (68%), đến từ 24 tỉnh thành. Đáng chú ý, có 2 trường hợp áp xe gan do sán lá gan lớn ở thai phụ và 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng.

Top thực phẩm dễ thành "kẻ thù"

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, GS.TS Nguyễn Văn Đề, Nguyên chủ nhiệm Khoa ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, thực phẩm bị ô nhiễm hiện nay đang ở mức báo động, trong đó ô nhiễm bởi hoá chất đang được chú ý hàng đầu, nhưng mầm bệnh ký sinh trùng ít được quan tâm mặc dù ký sinh trùng gây nên bệnh lý rất phức tạp và tỷ lệ nhiễm cao trong cộng đồng.

Chẳng hạn, bệnh giun đường ruột, có nơi tỷ lệ nhiễm 80-90%. Bệnh sán lá gan lớn lưu hành trên cả nước, với trên 20.000 bệnh nhân ở 52 tỉnh, có tỉnh trên 5.000 bệnh nhân.

“Tập quán ăn uống, chế biến, bảo quản thực phẩm không hợp vệ sinh là nguyên nhân gây bệnh”, GS.TS Đề nhấn mạnh.

Để phòng bệnh sán lá gan lớn tuyệt đối không nên ăn rau sống thủy sinh, không uống nước lã và diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan định kỳ cho trâu, bò. Phòng bệnh sán lá gan nhỏ tốt nhất là không ăn gỏi cá hoặc cá chưa nấu chín dưới mọi hình thức.

Chẳng hạn, tập quán ăn gỏi cá, gỏi tôm, cua nướng… phổ biến ở cả miền núi và nông thôn, vì vậy, bệnh sán lá gan lớn và sán lá phổi đã và đang gây nhiều tác hại cho nhiều người, nhiều cộng đồng. Cho đến nay đã phát hiện trên 40 tỉnh có những ổ dịch lưu hành sán lá gan nhỏ và sán lá phổi, có thôn xóm tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ rất cao, trên 30% như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Hà Nội, Bình Định, Phú Yên…

Tập quán ăn rau sống có ở mọi gia đình, nhất là một số món ăn không thể thiếu rau sống. Trong khi đó các hóa chất thường được sử dụng để làm sạch rau ăn sống như thuốc tím, nước muối… đều không thể làm sạch mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn.

Ngoài ra tập quán ăn thịt tái, thịt sống, nem chua, nem chạo…, uống nước lã, nước chưa đun sôi dễ gây nhiễm các bệnh sán dây, giun xoắn, sán, đơn bào.

GS.TS Nguyễn Văn Đề phân tích, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên bệnh cảnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt…

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùngGS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng

Bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan. Sán lá gan lớn gây u gan và chẩn đoán nhầm với ung thư gan, sán lá phổi gây chẩn đoán nhầm với lao, bệnh giun đũa chó còn gây nhiều triệu chứng phức tạp như nổi mề đay, sẩn ngứa, xuất huyết, sốt kéo dài. Đó là chưa nói đến có tới 50 - 60 triệu người nhiễm giun đường ruột và hàng chục triệu người nhiễm đơn bào hầu hết có liên quan đến rau xanh.

Tạo u khắp nơi và có thể gây ung thư

GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết, có 2 loại sán lá gan lây truyền qua thực phẩm là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Mỗi loại lại gây ra các bệnh cảnh và triệu chứng khác nhau.

Sán lá gan lớn chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người khi ăn phải ấu trùng sán lá gan lớn trong rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng...

Khi ấu trùng sán lá gan lớn vào đường tiêu hoá, sau 1 giờ, ấu trùng thoát kén và xuyên qua thành ruột. Sau 2 giờ xuất hiện trong ổ bụng, chúng tiếp tục xuyên vào gan và đến gan vào ngày thứ 6 và nằm trong nhu mô gan gây những ổ hoại tử lớn.

Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại ở người từ 9 – 13,5 năm. Nhưng nếu người chưa là vật chủ thích hợp, sán non còn di chuyển xuống đại tràng hoặc ra thành ngực, hay đến tuyến vú, chui ra khớp gối, buồng trứng, tinh hoàn, màng phổi...

Sán lá gan không phải là bệnh mới, song hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán nhầm là ung thư gan hoặc "áp xe gan do amíp, do Toxocara, do Gnathostoma.... Bởi bệnh rất khó chẩn đoán, khi ấu trùng xuyên qua thành ruột gây xuất huyết và viêm, các tổn thương có thể gây triệu chứng không rõ rệt. Sán chui vào cư trú ở tổ chức gan gây nên những thay đổi bệnh lý.

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau hạ sườn phải (vùng gan), sốt, sụt cân, ậm ạch khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, đau thượng vị, sẩn ngứa, biểu hiện triệu chứng viêm đường mật, viêm gan thể u...

Tổn thương gan do sán lá gan lớn dưới hình ảnh siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính gan hầu hết chẩn đoán nhầm là u gan hay áp xe gan nên dẫn đến xử lý không đúng nguyên nhân gây bệnh.

Người nhiễm sán lá gan nhỏ không chỉ do ăn gỏi cá mà có thể do thói quen ăn cá om dưa, cá rán chưa chín kỹ. Sán lá gan nhỏ gây tổn thương nghiêm trọng ở gan nhưng triệu chứng lâm sàng không rõ rệt, có khi không có triệu chứng gì đặc biệt. Với những trường hợp nhiễm trên 100 sán, triệu chứng xuất hiện rõ.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường có rối loạn dạ dày ruột, chán ăn, ăn không tiêu, buồn nôn, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy và táo bón thất thường, có thể bị phát ban, nổi mẩn…

Ở giai đoạn muộn bệnh biểu hiện bằng trạng thái đầy bụng, cảm giác như bị đau dạ dày, ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan. Bệnh nhân sụt cân, thiếu máu, phù nề, chảy máu cam, nôn ra máu, rối loạn tim mạch, sốt.

Sán lá gan nhỏ ký sinh trong đường mật, làm đường mật dày lên, xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, cổ trướng với kích thước gan to gấp 2-3 lần bình thường – gây ung thư gan. Bệnh gây sỏi mật, thậm chí chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư đường mật.

Không có vắc xin phòng ngừa bệnh do sán lá gan. Các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay cũng không có tác dụng với loại sán này. Việc điều trị sán lá gan cho người bệnh cần phải lựa chọn từng loại thuốc thích hợp, đạt hiệu quả cao và theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc bởi bác sĩ chuyên khoa.

Theo Đời sống
Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng nước mắm đúng cách. Nhiều người mắc phải những sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại cho sức khỏe.
5 loại thực phẩm không nên dùng chung với cà phê

5 loại thực phẩm không nên dùng chung với cà phê

Cà phê là món đồ uống yêu thích của nhiều người bởi hương vị thơm ngon và rất có lợi cho sức khỏe khi được uống điều độ. Tuy nhiên, khi kết hợp với một số thực phẩm, cà phê có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ dưỡng chất.
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
back to top