Muối chứa khoáng chất?
Muối khoáng chất là sản phẩm được nhiều chị em chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Tại địa chỉ trang web muoihimalaya.com, sản phẩm muối Himalaya (phân phối bởi Công ty TNHH MTV thực phẩm hữu cơ Trần Bảo Trân, địa chỉ ở 267 Trưng Nữ Vương, Hải Châu, TP Đà Nẵng) được quảng cáo khá rầm rộ. Nguyên văn giới thiệu về sản phẩm muối Himalaya: “Việt Nam có hơn 100 con sông với ít nhất 10 trong số đó rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng và tất cả đều hướng thẳng ra biển, kéo theo nguồn ô nhiễm từ đất liền như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu, phế thải vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt…
Muối Hymalaya không có tác dụng thần kỳ như quảng cáo
Muối hình thành từ một nguồn nước biển ô nhiễm không thể mang lại cho bạn nguồn thực phẩm an toàn. Thứ mà bạn sử dụng trong mọi món ăn hằng ngày vẫn chứa đựng cặn bẩn công nghiệp và hóa chất độc hại. Giải pháp tối ưu nhất: Lựa chọn loại muối chưa từng chịu ảnh hưởng của sự ô nhiễm là an toàn nhất. Đó chính là muối ăn Himalaya.
Muối được hình thành từ cách đây hơn 250 triệu năm, trước khi con người tồn tại và được bảo quản bởi điều kiện tự nhiên hoàn hảo. Những tinh thể muối hồng nằm sâu dưới chân núi Himalaya hùng vĩ được khai thác và lọc sạch thủ công không sử dụng hóa chất xử lý. Tất cả đã tạo nên loại muối được coi là tinh khiết nhất hành tinh, nơi lưu giữ trọn ven nguồn khoáng chất tự nhiên quý giá”. Muối này có giá 99.000đ/kg.
Trao đổi với KH&ĐS, PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, muối có 2 loại. Loại muối thông dụng mà chúng ta vẫn sử dụng là muối được làm từ nước biển. Nước biển được cho bay hơi để tạo thành muối, thành phần kim loại trong đó không nhiều, chủ yếu là natri và canxi nên rất an toàn cho sức khoẻ.
Một loại muối khác được khai thác từ mỏ muối. Loại muối này được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp hóa chất, sản xuất các loại chất tẩy rửa. Đây là loại muối có hàm lượng kim loại cao, phụ thuộc vào từng vùng khai thác. Trên thế giới, rất nhiều nước có những mỏ muối khổng lồ.
Theo TS Trần Tân Văn, rất khó để chứng minh được muối này lấy từ Himalaya hay từ đâu. Việc quảng cáo muối được hình thành từ cách đây 250 triệu năm cũng là không có cơ sở.
Khoáng chất không tồn tại trong muối
Muối mỏ hạt to và thô, có thể đóng bánh, đóng cục. Ngược lại muối biển khi đã sơ chế thành muối tinh thì hạt nhỏ và mịn hơn. Về cơ bản thì muối mỏ sạch hơn muối biển nên khâu sơ chế không mất nhiều thời gian, công sức. Theo TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, tất cả các loại muối mỏ đều sạch chứ không riêng gì muối mỏ ở Himalaya (ví dụ như bên Lào có rất nhiều muối mỏ). Người ta khai thác muối mỏ chủ yếu bằng cách khoan, bơm nước xuống hòa tan rồi lại hút nước đó lên cho lắng đọng lại, không cần hóa chất xử lý.
Thành phần chính của muối là NaCl, khi lắng đọng, kết tinh nó cũng ít khi kéo theo những nguyên tố khác. Có bụi bẩn gì thì trước khi dùng đem hòa nước rồi chắt lấy nước, bỏ cặn đi là được nên có thể hiểu rằng trong muối không tồn tại khoáng chất nên người tiêu dùng đừng kỳ vọng.
Câu hỏi là có nên sử dụng muối Himalaya thay thế muối biển? Theo TS Trần Tân Văn, biển dù có ô nhiễm thì khả năng tự làm sạch cũng rất lớn và không phải nơi nào cũng ô nhiễm. Nơi ô nhiễm nhất là cảng (do dầu mỡ) thì người ta lại không làm muối. Do đó, muối biển luôn an toàn cho sức khoẻ. Lượng muối mỗi người sử dụng cũng không phải là nhiều, nên việc mua loại muối với những quảng cáo không có cơ sở cũng là điều mà người tiêu dùng nên cân nhắc.
“Với cá nhân tôi thì chắc chắn là không dùng, không có nhu cầu dùng loại muối Himalaya gì đó vì chẳng có cơ sở nào để tin những quảng cáo đó là thật”, TS Trần Tân Văn cho biết thêm.
Bảo Khánh