Thứ tự các món nên dùng trong bữa ăn

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người cho rằng bắt đầu vào bữa cơm, phải ăn ngay tinh bột (cơm) để dạ dày có “lớp lót”, sau đó mới ăn thức ăn. Ăn thức ăn trước sẽ bị gout. Đây là quan niệm sai lầm.

Nhiều người cho rằng bắt đầu vào bữa cơm, phải ăn ngay tinh bột (cơm) để dạ dày có “lớp lót”, sau đó mới ăn thức ăn. Ăn thức ăn trước ăn cơm sẽ bị gút (gout). Đây là quan niệm sai lầm.

Thứ tự ăn uống nên thế nào?

Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau là thói quen của không ít gia đình, đặc biệt là những người có nhu cầu giảm cân. Khi đã ăn no thức ăn, nhu cầu ăn tinh bột sẽ ít đi, từ đó giảm được năng lượng nạp vào. Ngoài ra, đây cũng là thói quen cha mẹ thường rèn cho trẻ nhỏ. Theo thông tin tư vấn trên một số tờ báo, trang tin điện tử, khi ăn thức ăn trước chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh gout về lâu dài.

TS Lê Việt Anh, Trung tâm Nghiên cứu VIAM  thuộc Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, một bữa ăn hợp lý là bữa ăn có sự cân bằng về mặt dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 thành phần là chất đường bột, chất đạm, chất béo và các vi khoáng chất. 

Trong bữa cơm, ăn rau xanh trước tiên sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động. Quá trình kích thích này diễn ra nhẹ nhàng bởi rau xanh chứa nhiều chất xơ, không quá khô cứng. Nếu ăn cơm  hay thịt trước tiên sẽ khiến niêm mạc dạ dày phải tiết nhiều dịch vị tiêu hóa các thức ăn khô, cứng dễ dẫn đến việc đau dạ dày. 

Bệnh gout đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Theo TS Lê Việt Anh, gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng axit uric trong máu dẫn đến ứ đọng các tinh thể muối urat tại khớp gây viêm. Bình thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 70mg/l đối với nam và 60mg/l đối với nữ do có sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải chất này. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng quá trình này (tăng tổng hợp hoặc giảm thải trừ) đều làm tăng axit uric.

Biểu hiện của bệnh gout đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Ở giai đoạn muộn hơn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tophi xung quanh khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.

Có nhiều nguyên nhân gây ra gout. Nguyên nhân gây tăng sản xuất axit uric do tăng purin ngoại sinh (từ nguồn thức ăn đưa vào), tăng tạo axit uric bẩm sinh (do các bất thường về enzym) hoặc tăng tạo axit uric trong các bệnh lý hoặc dùng thuốc. Trong đó, tăng purin ngoại sinh (do chế độ ăn thức ăn nhiều đạm có chứa nhân purin) vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất. Một số thức ăn chứa hàm lượng purin cao như: thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, thịt dê…), nội tạng động vật… 

Cơ chế lắng đọng các axit uric ở các tổ chức mô xương khớp hình thành bệnh gout được xác định là do quá trình tăng axit uric máu trong một thời gian dài, khiến cơ thể phải có những động thái phản ứng để làm giảm axit uric máu bằng nhiều cách như: tăng hoạt động của thận để đào thải, lắng đọng muối urat tại da, màng hoạt dịch, gan… làm cho các tổ chức này biến đổi hình thái.

Bởi vậy, nếu ngay từ đầu việc ăn uống được kết hợp hài hòa về mặt số lượng, chất lượng giữa các loại thực phẩm trong chế độ ăn thì rất khó để hình thành gout. 

Theo Đời sống
back to top