Là một trong những bác sĩ trẻ được yêu thích nhất, có nhiều tương tác trao đổi với người bệnh qua Chương trình tư vấn trực tuyến “Ung thư biết sớm trị lành”, ThS.BSCKII Hà Hải Nam luôn nhận được hàng trăm lượt like, hàng nghìn lượt xem và tư vấn.
Chia sẻ những câu chuyện điều trị, lồng ghép kiến thức phòng chữa bệnh trong những “tút” facebook với thái độ khiêm tốn, chân tình, hài hước, có kiến thức chuyên môn cao, ThS.BSCKII Hà Hải Nam với nickname Nathan Lee được cộng đồng người bệnh ung thư mến mộ. Qua những chương trình tư vấn phòng và trị bệnh ung thư, ThS.BS Hà Hải Nam đã góp phần lan tỏa kiến thức phòng và trị bệnh cho hàng triệu gia đình.
Theo ThS.BSCKII Hà Hải Nam, xã hội ngày càng phát triển, công việc chăm sóc sức khỏe, cứu người ở thời đại 4.0 không chỉ giới hạn trong phòng khám hay trên bàn mổ mà cần truyền tải đến người dân bằng nhiều hình thức, nhanh chóng, kịp thời, đa dạng. Trở thành “bác sĩ online”, “tư vấn viên trực tuyến”, “bác sĩ mạng xã hội”... là một cách để các bác sĩ trẻ yêu công nghệ có thể chia sẻ những thông tin y học thường thức đều đặn tới cộng đồng, góp phần nâng cao y học dự phòng.
ThS.BSCKII Hà Hải Nam, Bệnh viện K Tân Triều.
Thói quen ăn nhanh của người Việt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe
Nghe nói bác sĩ là người tư vấn có số lượng thời gian và nhiều bệnh nhân nhất về lâm sàng trong chương trình “Ung thư biết sớm trị lành”. Công việc bận rộn với các ca mổ liên miên, vậy bác sĩ thu xếp thế nào?
Việc tư vấn song song với lúc đang mổ. Bệnh nhân gọi đến tổng đài, chương trình kết nối với bác sĩ qua điện thoại, vừa mổ vừa trả lời tư vấn. Thế hệ 8X thường thích thế, làm nhiều việc một lúc. Vừa nghe nhạc, vừa mổ, vừa trả lời tư vấn trực tuyến.
Công việc chiếm phần lớn thời gian như thế thì bác sĩ dành cho gia đình và bản thân lúc nào?
Gia đình mình hoàn toàn thông cảm và ủng hộ. Chị có thể không ngồi ngủ được nhưng bác sĩ thì chỉ cần sau ca mổ ngồi khoanh tay là ngủ. Ngủ bất kỳ giờ nào, đặt đâu cũng ngủ được, thành quen. Giờ giấc ăn uống cũng thế, tranh thủ mổ, lúc nào tiện thì ăn... Những ngày học bên Nhật Bản mới thấy áp lực công việc ở các bệnh viện của nước bạn kinh khủng hơn mình rất nhiều. Giờ bác sĩ cũng đang thay đổi dần. Không nên phung phí sức khỏe! (Cười)
Quá trình học tập và thực hành ở những môi trường y tế yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... có ảnh hưởng tới định hướng làm nghề của bác sĩ?
Ngay từ khi vào nghề, mình đã định hướng cách tiếp cận với người dân là không kiểu cách. Không phải bác sĩ là người ban ơn, mà là người cung cấp dịch vụ y tế. Quan điểm ban đầu là thế nhưng sau khi sang Nhật Bản thì tư duy đó nâng cao hơn. Ở Mỹ, bệnh nhân là khách hàng, nhưng ở Nhật Bản thì bệnh nhân là người thân. Ở Việt Nam hiện nay bệnh nhân chưa được là khách hàng mà là người đi xin lại sức khỏe.
Làm chuyên ngành tiêu hóa, theo bác sĩ có điều gì đặc biệt từ thói quen ăn uống của bệnh nhân?
Quá trình phẫu thuật tiêu hóa cho nhiều người, mình nhận thấy người nào ăn nhiều rau ruột dài hơn. Người nào chỉ số BMI cao thì ruột ngắn, bé. Người có lớp mỡ dưới da dày thì khẩu kính ruột bé và ngắn. Mặc dù, bệnh nhân gầy bé nhưng ăn nhiều rau thì ruột vẫn dài.
Ruột dài với ngắn thì liên quan gì đến sức khỏe thưa bác sĩ?
Thường ruột dài thì tốt hơn vì quá trình hấp thu thức ăn được kéo dài. Tuy nhiên, cũng có trường hợp dài bất thường lại gây chậm nhu động đại tràng dẫn đến táo bón. Người châu Á ăn nhiều rau, ruột dài nhưng khẩu kính bé hơn người châu Âu.
Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến tiêu hóa. Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người Việt?
Thói quen ăn nhanh của người Việt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Khẩu phần ăn có ít hoa quả, ít rau xanh, quá nhiều chất đạm, đặc biệt là mỡ động vật, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Thực phẩm không an toàn là thức ăn có nhiều chất có khả năng gây ung thư như dưa muối, cà muối, cá ướp muối chứa nhiều nitrat, nitrit gây ung thư thực quản, dạ dày; gạo mốc nhiều aflatoxin gây ung thư gan, thực phẩm hun khói, chất nhuộm màu công nghiệp… Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư, chiếm khoảng 35% trong các nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân ngoại sinh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia (chiếm 30%), nhóm nguyên nhân do rối loạn nội sinh trong cơ thể (chiếm 10%)...
Rất nhiều người ung thư ăn uống kiêng khem để tế bào ung thư không phát triển. Đây là một quan niệm sai lầm vì khi tế bào ung thư không được tiếp năng lượng, nó sẽ quay sang lấy năng lượng từ tế bào lành. Nếu bệnh nhân không được cung cấp dinh dưỡng tốt thì tế bào lành không đủ sức chống đỡ.
Khoa học hiện đại, ung thư không còn là án tử, ở Việt Nam tỷ lệ thành công có cao không bác sĩ?
Hiện trên thế giới khoa học đã khẳng định ung thư điều trị khỏi được, nhất là điều trị phát hiện ở giai đoạn sớm. Ở các nước phát triển, tỷ lệ điều trị thành công ung thư lên tới 70 - 80%, thậm chí 90%. Còn ở Việt Nam con số đó cũng đạt mốc 50%. Không phải ung thư là chết. Chỉ có điều sàng lọc và phát hiện giai đoạn sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn rất nhiều. Không phải cứ giai đoạn 3, 4 là nhanh chết mà tùy thuộc từng bệnh lý. Có những bệnh nhân ở giai đoạn 4 nhưng thời gian sống vẫn rất là dài. Ví dụ, ung thư tuyến giáp ở giai đoạn 4 thời gian sống thêm có thể tới chục năm. Tuy nhiên, lại có những loại ung thư tiến triển rất nhanh thời gian nhân đôi của tế bào chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ...
ThS.BSCKII Hà Hải Nam và kíp mổ. |
Thầy thuốc già, con hát trẻ
Một số người thích ra nước ngoài điều trị. Quan điểm của bác sĩ về vấn đề này thế nào?
Bác sĩ Việt Nam giờ nhiều người giỏi về chuyên môn, kinh nghiệm mổ không kém gì thế giới nhưng về mặt dịch vụ, tư tưởng, tâm sinh lý bệnh nhân thì Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mực. Khi mang bệnh ung thư, tâm lý bệnh nhân sang chấn rất lớn, đương nhiên suy sụp. Ở nước ngoài, người ta điều trị song song cả tâm lý và thể chất. Ở Việt Nam bây giờ thì Bệnh viện K mới bắt đầu triển khai kết hợp giữa bác sĩ tâm lý và điều trị ung thư.
Ở nước ngoài, bệnh nhân vào viện được bác sĩ, y tá dịu dàng chào hỏi, chăm sóc chu đáo, người bệnh cảm giác giá trị con người được nâng lên, tinh thần thoải mái, tin tưởng thì chiến thắng bệnh tật. Ở Việt Nam khi bệnh nhân đau yếu, tâm lý stress, vào viện lại bị đuổi mắng, gặp ông bác sĩ hằn học, cau có, chờ đợi lâu mệt mỏi thì bệnh lại nặng thêm.
Nhưng mới đây mình chăm người nhà ốm ở Bệnh viện K thấy thái độ phục vụ chăm sóc của bác sĩ và y tá được bệnh nhân khá hài lòng?!
Bắt buộc phải thay đổi chị ạ! Quan điểm lãnh đạo bệnh viện hiện nay là y tế là một ngành kinh doanh dịch vụ đặc biệt. Phải nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế lên bệnh nhân mới hài lòng. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nhiều người dân quan niệm “Thầy thuốc già, con hát trẻ”. Gặp thầy thuốc là phải gặp ông già, phải khó tính, cáu gắt thì mới giỏi. Ông ấy cáu chứng tỏ ông ấy nhiều bệnh nhân đến mức phải cáu. Gặp một ông mời chào đon đả tức là thiếu kinh nghiệm. Đấy là tâm lý! Quan điểm này cần phải thay đổi.
Bác sĩ già rất có kinh nghiệm không sai. Con mắt nhạy cảm nghề nghiệp của các bác là hơn bác sĩ trẻ nhưng bù lại bác sĩ trẻ nhiệt huyết, khả năng lăn lộn tiếp cận cái kiến thức mới tốt hơn. Có thể hiểu biết về bệnh không thay đổi nhiều nhưng cách tiếp cận phương án xử lý tốt hơn, phác đồ điều trị tốt hơn.
Có khi nào bác sĩ bị bệnh nhân chê trẻ không?
Nhiều chứ ạ! Thậm chí các thầy còn bảo bác sĩ phải để râu đi, nhìn già già bệnh nhân mới tin. Tâm lý bệnh nhân không muốn người trẻ đặt dao mổ lên người họ hay người nhà của họ. Đầu 4 rồi mà vẫn bị chê bác sĩ trẻ. Bác sĩ từ 40 - 50 tuổi là có sự trưởng thành và ổn định rồi. Đây là giai đoạn nhiều sáng tạo, sức bật, tiếp cận khoa học công nghệ tốt.
Thế mới thấy trong điều trị, yếu tố tâm lý cũng đóng một vai trò quan trọng?
Theo một nghiên cứu Mỹ, những bệnh nhân vào viện điều trị được chăm sóc điều trị tâm lý cho kết quả chữa trị hiệu quả hơn hẳn. Ung thư là bệnh gây sang chấn tâm lý lớn. Khi nhận thông tin ung thư ác tính rồi, người bệnh chẳng còn muốn làm gì nữa. Có lẽ tâm lý có ảnh hưởng 50% đến sự thành công của điều trị. Vì khi cơ thể stress, hệ thống miễn dịch tự nhiên đi xuống, các phản ứng trao đổi chất trong tế bào sụt xuống tạo điều kiện cho tế bào ung thư tăng lên. Vì vậy, trong điều trị ung thư, tâm lý rất quan trọng.
Xin cảm ơn bác sĩ!
ThS.BSCKII Hà Hải Nam cùng ê kíp mổ cắt bỏ khối u khổng lồ thành công cho một cụ già 82 tuổi, sau mổ phục hồi tốt.