Thiên thạch ở Lạng Sơn chỉ là cục đá thường

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, hòn đá mà người dân nhặt được ở Lạng Sơn không phải là thiên thạch. Việc thổi phồng thông tin nó là thiên thạch quý rất tai hại.

Hỏi: Mới đây, trên mạng có chia sẻ thông tin về việc ông Vi Văn Hinh, thôn Làng Hăng (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) nhặt được cục đá có hình con tê tê được cho là thiên thạch. Xin hỏi, thực hư thế nào?

Nguyễn Tiến Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Cục đá người dân nhặt được ở Lạng Sơn.

Cục đá người dân nhặt được ở Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Đức Phường, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đây chắc chắn không phải là thiên thạch mà chỉ là cục đá bình thường. Thiên thạch là những vật thể tự nhiên từ khoảng không vũ trụ, bên ngoài Trái Đất. Thiên thạch có kích thước đa dạng từ vài mm đến hàng nghìn km. Thiên thạch có đặc điểm riêng có thể phân biệt bằng mắt thường. Bề mặt thiên thạch thường đen nhẵn và bóng. Cũng có thiên thạch trên bề mặt có những vết lõm tròn nhẵn, hoặc các đường sẻ nứt do quá trình bào mòn và cháy nổ trong không khí.

Về khối lượng, với cùng một kích cỡ thì thiên thạch thường nặng hơn và cứng chắc hơn đá thường. Thiên thạch thường chứa lượng sắt nhất định, có từ tính, dùng nam châm thử để nhận biết, Vể màu sắc, thiên thạch thường có màu đen, hoặc ngả màu đen vàng do bị oxy hóa. Thành phần chủ yếu của thiên thạch là sắt và niken, trong đó sắt chiếm khoảng 90%, niken 4 - 8%. Nếu mài nhẵn mặt cắt của thiên thạch sắt rồi dùng axit nitric bôi vào, sẽ xuất hiện những vết rỗ rất đặc biệt, giống như các ô hoa. Đó là vì thành phần các chất trong thiên thạch phân bố không đều. Chỗ chứa nhiều niken khó bị axit ăn mòn và ngược lại, tạo nên các đường vân. Đây cũng là một cách để nhận biết thiên thạch.

Ở Việt Nam có loại đá dễ nhầm lẫn với thiên thạch là đá tectit. Ở các vùng Lâm Đồng, Cao Bằng, Yên Bái, đá tectit được bán với giá vài trăm ngàn đồng/kg nhưng chúng lại được thổi phồng là đá thiên thạch, bán với giá rất cao. Thực tế, đá tectit bao gồm các mảnh vật chất trên Trái Đất bị bắn ra trong quá trình xảy ra vụ va chạm của các vật thể ngoài Trái Đất. Bên cạnh đó, theo phương pháp xác định tuổi phóng xạ, hầu hết tectit có tuổi trong khoảng vài trăm ngàn tới vài chục triệu năm - quá nhỏ so với độ tuổi xấp xỉ khoảng 4,6 tỷ năm của các thiên thạch.

Theo các chuyên gia, ngay cả đúng là thiên thạch cũng không có giá trị thương mại như vàng, kim cương… mà chỉ có giá trị khoa học.

Theo Đời sống
back to top