Làm thế nào để xác định thiên thạch?

(khoahocdoisong.vn) - Những vụ lừa đá thiên thạch vẫn xảy ra dù đã có những cảnh báo, làm thế nào để xác định được đâu là thiên thạch, đâu là đá thường?

Thiên thạch có nhiều không?

Thiên thạch (meteorite) là những khối đá có đủ kích thước (từ vài cm đến vài chục mét) rải rác khắp nơi trong hệ Mặt Trời, thậm chí ngay trên quỹ đạo của Trái Đất cũng có. Tuy vậy, để một trong số chúng chạm tới mặt đất là điều không đơn giản.

Khi một thiên thạch lao vào khí quyển trái đất, nó sẽ bốc cháy, tạo thành một vệt sáng dài trên bầu trời mà chúng ta gọi là sao băng. Tuyệt đại đa số các thiên thạch đủ nhỏ để bốc cháy hết khi đi qua lớp khí quyển rất dày của hành tinh, chúng không thể chạm tới mặt đất và do vậy tất nhiên không còn gì để con người nhặt được. Chỉ số rất ít trong đó có thể chạm tới mặt đất, chẳng hạn điển hình nhất mà chúng ta thường biết tới là thiên thạch (hay gọi chính xác là tiểu hành tinh đã va chạm với Trái Đất cách đây khoảng 65 triệu năm gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long. Mặt khác, bề mặt Trái Đất chiếm tới khoảng 70% là đại dương và bản thân đất liền chưa được con người chiếm tới như hoang mạc, rừng rậm cũng rất nhiều) nên khả năng một thiên thạch tới được mặt đất và tới được đúng nơi có người để khám phá ra là rất ít.

Làm sao biết một viên đá có phải là thiên thạch?

Các thiên thạch từ không gian, nếu bạn có thể bắt gặp, về cơ bản có cấu tạo từ các hợp chất không khác gì các hợp chất có thể tìm thấy trên Trái Đất. Để biết một viên đá có phải là thiên thạch hay không về mặt lý thuyết cần có những xét nghiệm khoa học phức tạp để khẳng định thành phần cấu tạo của thiên thạch, và tìm xem liệu có sự có mặt của các nguyên tố hay hợp chất cực hiếm trên Trái Đất hay không, ngoài ra còn cần tới các phương pháp xác định tuổi phóng xạ để chắc chắn về tuổi thọ của một viên đá. Các phương pháp này chỉ có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm có đủ thiết bị cần thiết. Hiện tại việc này khó thực hiện ở Việt Nam vì trên thực tế công nghệ đó khá phức tạp.

Để xác định ở mức sơ bộ khả năng một viên đá có phải là một thiên thạch hay không, có thể kiểm tra theo vài bước: Có lớp vỏ đen cháy vì thiên thạch lao qua lớp rất dày khí quyển và bốc cháy trong suốt thời gian đó. Mặc dù nó đã cháy hết lớp ngoài, nhưng phần còn lại chạm tới mặt đất vẫn bị nung nóng và bốc cháy sâu vào trong. Do đó, một thiên thạch bao giờ cũng bị cháy xém, cho dù không nhất thiết phải đen hoàn thoàn. Nếu một viên đá có màu đen nhưng bạn có thể dễ dàng cạo hết lớp vỏ than đen của nó thì có nghĩa rằng đó là người bán đang cố lừa gạt bạn vì họ chỉ vừa phủ lớp than đen đó lên viên đá.

Thiên thạch phải có đốm trắng, đó là kinh nghiệm của nhiều người chuyên tìm hiểu về thiên thạch. Các thiên thạch đến nay đã tìm thấy không có nhiều vết lõm dạng lỗ tròn trên bề mặt. Hầu hết thiên thạch có khối lượng riêng khoảng 3,5g/cm3 hoặc hoặc trong khi các viên đá thông thường trên Trái Đất chỉ khoảng 2,7g/cm3. Do vậy, bạn có thể kiểm tra thể tích rồi đến khối lượng của viên đá để có thêm cơ sở.

Đá thiên thạch khi lao qua khí quyển và bốc cháy, những cạnh sắc và nhọn của thiên thạch cháy và không thể giữ được kết cấu đó, chúng sẽ bị bào mòn trước tiên. Do đó, các thiên thạch tới được mặt đất (nếu có thể) không có các cạnh sắc nhọn hay mũi nhọn mà thường có bề mặt nhẵn và tròn. Hầu hết thiên thạch có từ tính mạnh hơn đá thông thường do chứa thành phần kim loại chủ yếu là sắt cao. Có thể thử điều này bằng cách đưa nam chân hay la bàn tới gần viên đá, tuy nhiên lưu ý ngay cả khi nó gây ra các hiệu ứng từ thì chỉ là thêm một cơ sở để kết luận vì nhiều loại đá có hiện tượng này.

Viên đá có nhiều lỗ dạng tổ ong hay lỗ hở như bong bóng, hoặc có nhiều lớp màu sắc khác nhau thì chắc chắn không phải thiên thạch.

Nếu đúng đó là một viên đá tới từ ngoài Trái Đất, giá trị lớn nhất của nó là dành cho các nhà khoa học. Một thiên thạch được tìm thấy có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu về thành phần cấu tạp và qua đó đưa ra các suy đoán về quá trình tạo thành Hệ Mặt Trời. Với người nghiệp dư, đá thiên thạch chỉ có giá trị vì nó hiếm và cảm giác thú vị khi sở hữu. Một thiên thạch có thể chứa những kim loại hay hợp chất hiếm, có giá trị, nhưng hầu hết thiên thạch có thể được tìm thấy có kích thước rất nhỏ nên lượng vật chất hiếm này cũng ít khi có giá trị đáng kể.

Nhiều người cho rằng, thiên thạch có tác dụng chữa bệnh hay tốt cho phong thuỷ của ngôi nhà, đây là lời đồn thổi phản khoa học. Ngược lại, nếu bị sử dụng bừa bãi, những hợp chất lạ còn có thể gây ra những tác hại không mong muốn. Trên thị trường nhiều người rao bán các mẫu đá được cho là thiên thạch, nhưng rất nhiều người dùng chiêu trò lừa đảo, nên rất cảnh giác khi mua bán trao đổi loại sản phẩm không rõ ràng này.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top