Chiến lược mới 10 năm đã lạc hậu
Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược an ninh năng lượng trong bối cảnh phát triển mới của đất nước cho thấy, ngành năng lượng nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ. Thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Độc quyền nhà nước còn cao. Chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội".
Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng từ năm 2015, với mức độ nhập khẩu tăng khá nhanh. Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn, tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025, lên đến 50 - 58% vào năm 2035.
Hiện tại, trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, hầu hết các mỏ đang khai thác ở giai đoạn cuối với sản lượng giảm tự nhiên 15 - 30% mỗi năm. Than có trữ lượng còn lớn, nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành, khó cạnh tranh với các nguồn than nhập khẩu.
Khai thác than và khí tự nhiên đều đối mặt với chi phí khai thác tăng cao, khả năng khai thác hạn chế, trong khi việc định giá lại chưa thực sự hợp lý. Do đó, mức độ tăng nhập khẩu than và khí trong thời gian tới sẽ là sức ép đối với tỷ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu trong cung cấp năng lượng sơ cấp.
Về cung cấp xăng dầu, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng xăng dầu nhập khẩu nhưng lại tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô. Nguồn điện đang nguy cơ cao trong trung và dài hạn. Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn do một số nguồn điện tuy đã được khởi công xây dựng nhưng đưa vào vận hành chậm, công suất dự kiến ở mức khá thấp so với quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá, tiêu thụ năng lượng trên đầu người ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với thế giới. Nhưng cường độ năng lượng (tiêu thụ năng lượng trên GDP tính theo USD) lại gấp đôi so với chỉ số chung của thế giới và APEC.
Vì vậy, ngành năng lượng Việt Nam được đánh giá là đang "mặc một chiếc áo đã chật". Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời cần được triển khai nhanh vào thực tiễn đời sống để khắc phục những hạn chế hiện có, tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia. Phát triển năng lượng phải được coi là trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mang tính chất chiến lược đặc biệt quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển đổi sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo.
“Nới rộng” bằng thị trường năng lượng tái tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế chung trên thế giới. Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang rất tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hóa giải các điểm nghẽn để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Việc này đang đối mặt thách thức lớn. Bởi bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống.
Năng lượng tái tạo Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. |
Đông đảo các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện cũng đang nhiều bất cập. Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), do được khuyến khích, điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Cả nước đã có 5.000MW điện mặt trời và 1.000MW điện gió. Dự kiến 1 - 2 năm tới, khoảng 3.000 - 5.000MW điện gió sẽ được vận hành.
Năng lượng tái tạo phát triển mạnh nhưng quy mô lớn còn hạn chế. Lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo gây những bất cập, cản trở. Hiện Việt Nam cũng đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Tránh độc quyền Nhà nước về năng lượng là điều được nhiều chuyên gia nhắc đến tại Diễn đàn Năng lượng lần này. Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời là quyết sách “cởi” được nút thắt về độc quyền, mở rộng phát triển thị trường năng lượng. Có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết. Đó là tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, miễn là có đủ năng lực. Thứ hai là tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.
Theo ông Tiến, lợi ích kinh tế tư nhân và quốc gia phải hài hòa gắn với hành lang pháp lý. Trước nay điện vẫn là lĩnh vực độc quyền, để bỏ sự độc quyền đó thì cần xây dựng lại hành lang pháp lý và doanh nghiệp đang trông chờ điều đó. Nếu không giải quyết vấn đề này, tư nhân chỉ tham gia "vùng hẹp".
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực tế phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn so với kỳ vọng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, các khảo sát của UNDP với một số ngân hàng, tổ chức và nhà đầu tư lớn được thực hiện trong năm 2018 và năm 2020 cho thấy, sẽ có khoảng từ 10 - 15 tỷ USD có sẵn để đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng ở Việt Nam nếu các rào cản chính được giải quyết. UNDP đề xuất đẩy mạnh thí điểm và áp dụng các chính sách về cơ chế thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát triển năng lượng tái tạo và người tiêu dùng cuối cùng.