Giá điện "nhảy múa": Khi khách hàng không là thượng đế!

(khoahocdoisong.vn) - Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện với 6 bậc thang như hiện nay đang tác động lớn đến việc tiêu thụ điện. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình sửa đổi thay cho phương án 6 bậc thang hiện nay, Bộ Công Thương sẽ thêm phương án một giá để người dân lựa chọn.

Xem xét lại cách tính tiền điện

Trước tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao khiến người dân bức xúc, ngày 30/6, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đã họp báo cáo kết quả kiểm tra ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện tại Tổng Công ty Điện miền Bắc (EVN NPC).

Theo ông Đỗ Văn Năm, Phó trưởng Ban kinh doanh EVN NPC, hiện EVN NPC đang duy trì 3 hình thức ghi chỉ số công tơ: Ghi chỉ số tự động với khoảng 1,17 triệu công tơ; ghi chỉ số bán tự động với hơn 1,55 triệu công tơ và ghi chỉ số thủ công với khoảng 7,75 triệu công tơ.

Qua phúc tra, kiểm tra tháng 6 đã phát hiện 2.175 khách hàng bị ghi nhầm chỉ số công tơ, hầu hết các trường hợp đã được phát hiện và sửa chữa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn. Tháng 5, EVN NPC cũng đã phát hiện 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ. Tuy nhiên, ông Năm khẳng định các trường hợp ghi nhầm đều đã được phát hiện và sửa chữa trước khi phát hành hóa đơn và các sai sót nêu trên chủ yếu rơi vào công tơ cơ khí khi ghi chỉ số thủ công.

Đề cập đến nguyên nhân tiền điện tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, biểu giá điện với 6 bậc thang như hiện nay tác động lớn đến việc tiêu thụ điện, nhất là trong thời gian nắng nóng vừa qua. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối, lấy ý kiến lại lần nữa. Ngoài phương án sửa đổi 6 bậc thành 5 bậc thang, Bộ này sẽ đưa ra lấy ý kiến về phương án một giá để khách hàng lựa chọn. Ai không thích bậc thang thì có thể chọn phương án một giá. Tuy nhiên, một giá thì đương nhiên mức giá không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44đ/kWh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, cơ sở để xây dựng giá điện một giá là dựa trên giá điện bình quân. Không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này. Phương án một giá sẽ được xây dựng cao hơn giá điện bình quân. Có thể những người sử dụng dưới 300kWh sẽ vẫn chọn biểu giá bậc thang để tính tiền điện. Hiện số lượng khách hàng sử dụng dưới 400kWh một tháng chiếm 70 - 80% tổng số lượng khách hàng. Trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng về các phương án này.

Trước đó, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các bộ ngành và người dân nhằm hoàn thiện dự thảo quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200kWh; bậc 3 từ 201 - 400kWh; bậc 4 từ 401 - 700kWh; bậc 5 từ 701kWh trở lên. Lý do là với kịch bản này có mức tăng giá điện giữa các bậc hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Theo nhiều chuyên gia, việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay đã "lỗi thời". Việc điều chỉnh biểu giá điện có thể sẽ khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong những tháng đổi mùa.

GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, nhiều quốc gia đang tính giá điện bậc thang, giúp người dân hạn chế sử dụng điện quá mức – vừa ảnh hưởng đến “túi tiền” người sử dụng, vừa gây lãng phí. Ông Long cho rằng thời gian tới, khi thị trường điện lực phát triển, áp dụng thành công thị trường bán lẻ điện theo hướng cạnh tranh, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ bộc lộ nhiều bất cập.

Bao giờ có sự lựa chọn cho khách hàng?

Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, tính 1.678đ/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100, được tính 1.734đ/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200, được tính 2.014đ/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300, được tính 2.536 /kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 được tính 2.834 /kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927đ/kWh.

Theo GS.TSKH Trần Đình Long, nhiều nước xây dựng biểu đồ giá điện với 3 bậc, có nơi 8 bậc. Song dù xây dựng biểu đồ bao nhiêu bậc thì cũng cần đảm bảo doanh số bán điện chia cho sản lượng điện phải bằng giá điện bình quân. Hiện nay, giá điện bình quân của Việt Nam đang là 1.864,44đ/kWh (chưa gồm thuế VAT), giá này đã được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019.

Thị trường điện, nguồn cung gồm ba thành tố chính: phát điện, truyền tải, phân phối. Ngoại trừ truyền tải vì tính chất đặc thù không thể có cạnh tranh do độc quyền tự nhiên, thì hai thành tố còn lại đã được chứng minh là có hiệu quả hơn khi có cạnh tranh. Cụ thể, gần đây, thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc phát triển không đồng bộ giữa sản lượng và hệ thống truyền tải dẫn đã kìm hãm sự cạnh tranh và tồn tại nhiều bất cập.

Khi Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời, người tiêu dùng đặt nhiều hy vọng sẽ có một thị trường điện năng động như viễn thông. Tại Pháp, sau khi mở cửa thị trường điện từ 1/7/2007, hiện có hơn 30 công ty phân phối điện sinh hoạt trong tổng số 43 công ty phân phối điện cả nước. Người tiêu dùng có thể so sánh, lựa chọn theo nhu cầu của mình và dễ dàng thay đổi với các thao tác chỉ mất vài phút qua mạng.

Theo dự thảo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chỉ bắt đầu từ năm 2021, ưu tiên dành cho khách hàng lớn trước (cấp điện áp 110kV). Còn đối với việc phát triển mở rộng (nhưng có điều kiện), chủ yếu là thị trường bán lẻ cho sinh hoạt, thì phải sau năm 2025. Hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã bắt đầu được gần hai năm và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đang ở giai đoạn chuẩn bị, dự kiến bắt đầu từ năm sau nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc bất cập, chậm trễ trong triển khai. 

Theo Đời sống
back to top