Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định, bể than sông Hồng là tiềm năng lớn, nếu được khai thác có thể tạo ra được nguồn thu ngân sách lớn; cũng như mở ra một số ngành công nghiệp mới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định bể than sông Hồng có đặc điểm trầm tích chứa than, địa chất công trình, thủy văn, môi trường, tai biến địa chất hết sức phức tạp với tài liệu hiện có còn rất hạn chế...
Cụ thể, các nhà khoa học chỉ ra, điều kiện địa chất-mỏ, địa chất công trình, địa chất thủy văn, kiến tạo, địa chấn của bể than rất phức tạp, nguy cơ xảy ra các rủi ro khi khai thác than ở dưới sâu. Than có mặt ở độ sâu quá cao, đa số các vỉa than nằm ở khoảng độ sâu từ -300m đến -1.200m, độ sâu tối đa đạt trên 3.000m. Ngoài ra, trên phạm vi bể than sông Hồng có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số chúng là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn…
Các nhà khoa học khuyến nghị, cần nghiên cứu chi tiết và cụ thể về đặc điểm địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình trước hết tại các khu mỏ than dự kiến khai thác thử nghiệm; cần lựa chọn công nghệ khai thác than phù hợp nhất, an toàn nhất trong điều kiện cụ thể; cần tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tổng quan (chiến lược) và chi tiết cụ thể tại từng khu mỏ; cần tiếp tục mời các tổ chức tư vấn nước ngoài cùng tham gia nghiên cứu hoặc các nghiên cứu riêng rẽ một số vấn đề nan giải về kỹ thuật – công nghệ khai thác bể than sông Hồng.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, không khai thác than bể than sông Hồng nếu điều kiện địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình không cho phép và kết quả khai thác thử nghiệm cho thấy tính rủi ro quá cao, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ cao xảy ra các sự cố môi trường, có tác động xấu tới môi trường và xã hội.