Techfest VietNam 2022: Đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp

Techfest VietNam 2022 hướng đến thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài để tăng trưởng nền kinh tế.

với chủ đề "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Ngoại Giao, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương diễn ra từ ngày 02 đến 04/12/2022. Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đồng hành cùng chương trình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Techfest Vietnam 2022 - Ảnh BTC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Techfest Vietnam 2022 - Ảnh BTC

Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022. Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương như tại Sơn La, Lai Châu, Cần Thơ, ... và cấp vùng như Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ...

Phát biểu tại Chương trình Dấu ấn Techfest Vietnam 2022 - Đổi mới sáng tạo khơi nguồn tư duy mới, diễn ra vào tối 3/12, tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức sự kiện Techfest 2022 nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong cả nước và quốc tế có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và kết nối hợp tác vì một cộng đồng năng động, sáng tạo, thịnh vượng và phát triển.

Cũng theo Thủ tướng, tại Diễn đàn hôm nay, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực khả thi cho đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cũng đánh giá khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo luôn là một nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Techfest Vietnam 2022 - ảnh BTC

Techfest Vietnam 2022 - ảnh BTC

Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế của các quốc gia, góp phần giải quyết khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.

Thủ tướng cũng cho biết, khởi nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng ta được đề cập tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và được Đại hội lần thứ XIII khẳng định lại với quyết tâm cao hơn theo hướng, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cụ thể hoá bằng các cơ chế chính sách ban hành khuôn khổ pháp lý và các đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia….

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, như mọi năm, Techfest quốc gia được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ về các hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước suốt 1 năm qua và lắng nghe về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.

Mục tiêu của Techfest VietNam 2022 hướng tới việc thúc đẩy các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có lợi thế và có tiềm năng trong tương lai để giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch cũng như phục hồi kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Năm nay, Techfest VietNam có sự mở rộng về quy mô với nhiều nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Thông qua chuỗi sự kiện cấp vùng, cấp địa phương, Techfest đã đưa hoạt động của các làng công nghệ, các chuyên gia và các doanh nghiệp cùng đồng hành và phát hiện và giải quyết bài toán của các địa phương bằng công nghệ và các giải pháp sáng tạo.

Thủ tướng chứng kiến Lễ ký thoả thuận hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số

Thủ tướng chứng kiến Lễ ký thoả thuận hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số

Techfest VietNam 2022 mong muốn phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng toàn diện với tư duy mở (VOIP), tập trung vào ba trụ cột chính.

Trụ cột đầu tiên, nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trụ cột thứ hai, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bài toán, tìm kiếm sáng kiến, trở thành khách hàng và hỗ trợ các nguồn lực từ tài chính, chuyên gia, thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trụ cột thứ ba của VOIP thúc đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề xã hội, các thách thức toàn cầu về phát triển bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Chương trình sẽ diễn ra 03 ngày với các nội dung chính như: Triển lãm sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 250 gian hàng; lễ khai mạc; diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình dấu ấn Techfest VietNam 2022; cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, các hoạt động kết nối đầu tư và Lễ tổng kết techfest 2022, định hướng Techfest 2023.

Song song với đó là 30 phiên hội nghị, hội thảo, chuyên đề do các "làng công nghệ" và các đối tác thực hiện, với nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, các giải pháp phát triển thông minh và bền vững, các vấn đề lớn để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo.

Điểm đáng chú ý, năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021.

9 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến lượng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam giảm nhẹ so với năm 2021, tập trung cho các doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển thị trường với quy mô đầu tư từ 10-50 triệu đô-la.

Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài, hơn 200 khu làm việc chung, khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST".

Theo Đời sống
back to top