Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc, Nguyên Trưởng khoa Điều dưỡng – Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, tình trạng ngáy khi ngủ xảy ra khi dòng khí được hít thở qua mũi và miệng bị ngăn cản hoặc tắc nghẽn bởi nhiều nhân tố: viêm xoang, viêm mũi, sưng amidan, lệch vách ngăn, béo phì… Nếu là người béo phì thì giảm cân sẽ giảm ngáy. Tuyệt đối không dùng thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm cho các cơ bắp trong cuống họng chùng xuống. Với một số bệnh lý, có thể dùng dụng cụ nha khoa làm cho hàm ếch không chùng xuống và lưỡi nhỏ không bít khí quản thì sẽ giảm ngáy.
Dụng cụ giảm ngáy.
Tuy nhiên, có thể áp dụng một số bài tập đơn giản với miệng và lưỡi. Theo các nhà nghiên cứu, các bài tập này có thể giảm đáng kể chứng ngủ ngáy.
Cách thứ nhất: Đẩy lưỡi về sau. Người bị ngủ ngáy có thể thử đẩy đầu lưỡi chống lên vòm miệng và phần lưỡi trượt về phía sau.
Cách thứ hai: Ép toàn bộ lưỡi lên vòm miệng. Ép toàn bộ bề mặt lưỡi lên trên vòm miệng như động tác mút thứ gì đó.
Cách thứ ba: Đặt đầu lưỡi sau chân răng cửa và nâng mặt lưỡi lên giống như cách phát âm chữ A.
Theo khảo sát nghiên cứu, thử nghiệm 3 cách này trên 39 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên và điều trị trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy họ đã chuyển biến rõ rệt, giảm tần số chứng ngáy 36% và âm thanh tiếng ngáy giảm 59%. Trường hợp một số bệnh nhân ngáy ảnh hưởng đến thở và chất lượng cuộc sống cần phẫu thuật bằng laser, đốt các phần mềm cuống họng. Thủ thuật này rất nhanh mà không cần gây mê, chỉ điều trị khoảng 3-5 lần là có hiệu quả.
Hồng Linh