Hỏi: Con tôi mới 50 tuổi, bị huyết áp cao. Cháu thường xuyên tập luyện thể thao như đạp xe, tập gym. Vừa qua trong lúc tập gym, cháu bị ngất (đột quỵ) và rất may đã được cấp cứu kịp thời. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 3 điểm hẹp nhưng bác sĩ chỉ định đặt stent 1 điểm. Hiện sức khỏe cháu đã ổn định. Xin hỏi, sau tai biến nên tập luyện như thế nào để tránh tái phát?
Nguyễn Quang Yên (80 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh)
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Đột quỵ (tai biến mạch não) thường để lại di chứng nặng nề. Do đó, cần phải có một chế độ luyện tập hợp lý, tích cực để sớm đưa người bệnh hòa nhập lại xã hội.
Tuỳ theo mức độ nặng của đột quỵ, bác sĩ sẽ chỉ định chế độ tập luyện và phục hồi chức năng thích hợp. Bệnh nhân nặng chưa tự vận động được phải được hỗ trợ của nhân viên phục hồi chức năng và gia đình như thay đổi tư thế, vận động thụ động, xoa các vị trí tì đè chống loét. Đối với các trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng mà có chế độ tập luyện riêng hằng ngày cho từng người, để bệnh nhân được tự tập ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn.
Các bệnh nhân tai biến được điều trị, tập luyện theo một chương trình phục hồi chức năng toàn diện giúp hồi phục tối đa tổ chức não bị tổn thương, giảm đáng kể các thương tật thứ phát sau tai biến mạch não, đưa bệnh nhân trở lại với cuộc sống hằng ngày.
Khi cơ thể bình phục, cần tập thể dục đều đặn và đúng cách. Cần tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt... Thay vào đó, người bệnh có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm...