Tạo dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ em gái

Nhiều trẻ em gái vẫn phải đối mặt với phân biệt đối xử giới tính, bạo lực, tảo hôn, đến việc bị cản trở trong việc tiếp cận giáo dục... Chúng ta hãy cam kết bằng hành động để các em gái được bình đẳng, chăm sóc và bảo vệ...

Đó là thông điệp chi cục dân số Hà Nội đưa ra ngày 11/10/2024 tại Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10/2011-11/10/2024), do quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tổ chức.

Trẻ em gái vẫn phải đối mặt với phân biệt về giới tính, bạo lực...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em Gái, một ngày không chỉ để vinh danh trẻ em gái mà còn để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho tất cả các em gái trên thế giới. Trẻ em gái là tương lai, là niềm hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi em gái đều có quyền được học tập, được yêu thương, được bảo vệ và phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các em vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: từ phân biệt đối xử giới tính, bạo lực, tảo hôn, đến việc bị cản trở trong việc tiếp cận giáo dục. Những vấn đề này không chỉ gây tổn hại cho các em mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả xã hội.

Một xã hội hiện đại, một môi trường sống văn minh là khi mỗi cá nhân đều nhận được sự tôn trọng và đối xử công bằng dù là bé trai hay bé gái. Một ngôi trường hạnh phúc nhất định là nơi mà các em học sinh, dù là nam hay nữ đều sẽ được trân trọng, yêu thương.

Bà Vũ Thị Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bà Vũ Thị Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới nói chung và đâu đó trên đất nước Việt Nam của chúng ta, vẫn còn biết bao định kiến về giới. Ở nhiều nơi, sự bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra trên mọi lĩnh vực: giáo dục, dinh dưỡng, y tế… biểu hiện ở những sự kỳ thị giới tính, bạo lực giới... Mất cân bằng giới tính, bất bình đẳng giới chính là rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Hiện nay, trước những vấn đề như bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, bạo lực, không để trẻ em bị tử vong do tai nạn nạn đuối nước, tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật… là những thách thức, trách nhiệm đặt ra rất lớn đối với xã hội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, mỗi người chúng ta cần quan tâm hơn, hành động quyết liệt hơn và dành nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Tý, Phó trưởng ban chỉ đạo Dân số và Phát triển Quận, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết, Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề năm nay là "Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái", nhằm kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới.

Ông Nguyễn Văn Tý - Phó trưởng ban chỉ đạo Dân số và Phát triển Quận, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm phát biểu

Ông Nguyễn Văn Tý - Phó trưởng ban chỉ đạo Dân số và Phát triển Quận, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm phát biểu

Theo ông Nguyễn Văn Tý, trong những năm qua, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, công tác dân số và phát triển luôn được quan tâm và coi trọng. Mức sinh đã được ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 được kiểm soát, tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại, và chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ 115 bé trai/100 bé gái năm 2011 xuống còn 111 bé trai/100 bé gái trong 9 tháng đầu năm 2024.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức mà quận đang phải đối mặt, như tốc độ gia tăng dân số cơ học ở mức cao và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép.

Để giải quyết những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tý đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm việc triển khai các chính sách và chương trình liên quan đến bình đẳng giới, tăng cường truyền thông, nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cam kết hành động vì các em gái

Bà Vũ Thị Thanh Thúy cho biết, Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số và phát triển trong đó có các hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, phát triển thể lực, tầm vóc cho trẻ em, thanh thiếu niên, quan tâm chăm sóc cả về thể chất, tinh thần cho các em.

Hàng năm hàng trăm buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản được tổ chức cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên, tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên, truyền truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THCS, PTTH...

Nhiều mô hình với các hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai trên 30 quận huyện của Thành phố như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên... Mà quận Bắc Từ Liêm là đơn vị đang thực hiện thí điểm mô hình tư vấn khám sức khỏe trước kết hôn tại cộng đồng.

Trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi được biểu dương

Trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi được biểu dương

"Hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10; Hướng tới kỉ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, qua Hội nghị ngày hôm nay, chúng tôi luôn mong muốn các con sẽ nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em đang gặp phải.

Từ những nhận thức đúng đắn, các con sẽ xóa bỏ rào cản định kiến giới bằng những hành động thiết thực và cụ thể như tuyên truyền, thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng và thúc đẩy quyền của trẻ em gái, để những người phụ nữ và những trẻ em gái xung quanh chúng ta luôn được đón nhận sự yêu thương, niềm hạnh phúc mà họ xứng đáng. Cùng nhau, chúng ta có thể khiến đất nước Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn và công bằng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Các cháu chính là những bông hoa tươi thắm là niềm tin và hy vọng của gia đình và xã hội. Thầy cô, gia đình và các cô chú luôn ở bên cạnh, ủng hộ và dõi theo từng bước phát triển của các cháu. Mong rằng các cháu sẽ tiếp tục chăm ngoan, học giỏi, vững bước trên con đường học tập và phát triển, để trở thành những công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh." - Bà Thúy chia sẻ

“Trong thời gian tới, chúng ta hãy thể hiện cam kết bằng hành động cụ thể Thành phố Hà Nội nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em gái để tạo dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, giúp các cháu phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, mọi em gái đều được trang bị kiến thức, kỹ năng và tự tin khẳng định vị trí của mình trong xã hội.” Bà Thúy nhấn mạnh.

Đại diện cho các trẻ em gái trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, em Đỗ Vũ Minh Châu, học sinh lớp 10A9 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có bài phát biểu hưởng ứng. Minh Châu chia sẻ về gia đình, sở thích và ước mơ của mình. Em bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giáo dục của thầy cô, sự chăm sóc của cha mẹ, và những cơ hội mà xã hội đã trao cho em. Ước mơ của Minh Châu là trở thành cô giáo để tiếp nối truyền thống gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hội nghị đã biểu dương 50 trẻ em gái tiêu biểu chăm ngoan học giỏi và các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số. Đây là một sự kiện ý nghĩa, thể hiện cam kết của quận Bắc Từ Liêm và thành phố Hà Nội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em gái.

Hội nghị kết thúc với thông điệp "Gia đình và xã hội cùng chung tay để mọi trẻ em gái có cơ hội phát triển và đạt được ước mơ", hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ em gái Việt Nam.

Theo Đời sống
Hoại tử “cậu nhỏ” do sự tò mò của tuổi mới lớn

Hoại tử “cậu nhỏ” do sự tò mò của tuổi mới lớn

Nam giới đang trong độ tuổi dậy cần nâng cao nhận thức về giới tính và theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có. Hẹp bao quy đầu có thể ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.
back to top