Sổ sách: “Quá đẹp”
Chỉ vài năm trước, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank còn tương đối thấp, đặc biệt là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh rất kém, thậm chí là âm 6.700 tỷ đồng ở năm 2015, và âm 804 tỷ đồng ở năm 2016.
Thời điểm 31/12/2016, tổng dư nợ quá hạn các nhóm 2,3,4,5 tăng mạnh lên 3.159 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm đầu năm. Trong đó, số dư nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 706 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,94%. Ngoài ra, nợ xấu bán cho VAMC đã tăng tới 12 lần trong năm 2016, từ 333 tỷ đồng lên 3.995 tỷ đồng.
Các năm sau đó, tình hình kinh doanh của ngân hàng đã có sự bứt phá, dòng tiền kinh doanh đã không phải mượn từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính để bổ sung, năm 2017 dương 1.619 tỷ đồng, năm 2018 dương 7.322 tỷ đồng.
Sang năm 2019, Nam A Bank báo lãi trước thuế 925 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 182 tỷ đồng so với năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh.
Trong năm 2019, Nam A Bank đã hoàn thành kế hoạch mở rộng mạng lưới với 35 đơn vị kinh doanh, nâng tổng số điểm kinh doanh lên hơn 100 đơn vị, “phủ sóng” tại các tỉnh trọng điểm từ Bắc đến Nam. Số lượng nhân viên cũng tăng hơn 43%, từ 2.095 người lên 3.009 người.
Nhờ vậy, nền tảng tăng trưởng của ngân hàng đã đến từ tín dụng, khi chi chỉ tiêu này tăng lên 66.751 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 33% trong năm 2019 và gấp 3,2 lần so với năm 2015. Trong kỳ, tổng tài sản theo đó tăng từ 75.059 tỷ đồng lên 94.687 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản của Nam A Bank lại hơi đi xuống, số dư tài khoản có khác lại tăng lên 3.536 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm đầu năm (1.783 tỷ đồng). Nhưng nếu so với mức độ tăng trưởng tín dụng, điều này là có thể chấp nhận được.
Theo bảng cân đối kế toán, huy động khách hàng cũng tiếp tục tăng 30%, lên 70.744 tỷ đồng. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao, Nam A Bank đã đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá từ mức 2.605 tỷ đồng ở đầu năm, lên mức 4.412 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2019, dư nợ xấu của Nam A Bank là 1.333 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1,9%. Nợ đủ tiêu chuẩn tăng mạnh lên 64.148 tỷ đồng, từ mức 49.232 tỷ đồng. Nhấn mạnh rằng, Nam A Bank đã chủ động tất toán toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC.
Chòng chành mới… đi nhanh
Trong giai đoạn kinh doanh hiệu quả thấp trước đây, nội bộ cổ đông Nam A Bank khá yên ổn. Nhưng sau đó đã bùng lên tranh chấp trong gia đình vợ chồng cố doanh nhân Tư Hường. Dẫn tới việc có tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn và một số người khác liên kết chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu....
Dù đã có trấn an từ lãnh đạo Nam A Bank về việc Tập đoàn Hoàn Cầu và ngân hàng là hai thực thể khác nhau, các tranh chấp là quan hệ dân sự giữa các cổ đông… Nhưng sẽ rất khó tin những rung lắc thượng tầng không ảnh hưởng tới hoạt động của Nam A Bank.
Tuy nhiên, thực tế những thay đổi tốt lên của Nam A Bank, lại diễn ra đúng trong giai đoạn ngân hàng này chao đảo dữ dội nhất. Trong màn “vượt khó” ấy, có vai trò dàn lãnh đạo lâu năm của Nam A Bank. Trong đó, nổi bật là nỗ lực của ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cố doanh nhân Tư Hường).
Trong nhiều năm, quan hệ giữa Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank luôn duy trì ở mức độ mật thiết, cần nhau. Chẳng hạn, năm 2016, có những thời điểm, dư nợ tiền vay của các bên liên quan với thành viên HĐQT và ban điều hành của ngân hàng là 1.775 tỷ đồng, chiếm tới 8% tổng dư nợ cho vay. Nhiều tài sản của Tập đoàn Hoàn Cầu cũng thế chấp tại Nam A Bank.
Giữa ngân hàng và các bên liên quan đến ban lãnh đạo còn có quan hệ khăng khít ở loạt giao dịch gửi – vay. Điểm thú vị ở chỗ, nhiều báo cáo tài chính cho thấy, các giá trị gửi – vay này gần như bằng nhau. Đơn cử như trong năm 2018, các bên liên quan cho gửi 216 tỷ đồng thì cũng vay ngược 210 tỷ đồng. Tại các quý năm 2016 và 2015, con số còn lên tới hàng nghìn tỷ đồng (báo cáo tài chính năm 2019 của Nam A Bank chưa có thuyết minh phần này).
Liên quan tới hoạt động đầu tư cổ phiếu Eximbank của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Toàn, có một phần số cổ phiếu này đã cầm cố, thế chấp vay tiền tại Nam A Bank. Chưa rõ số cổ phiếu Eximbank và khoản vay tại Nam A Bank đã xử lý thế nào, nhưng theo báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2019, giá trị chứng từ thế chấp tại ngân hàng có giá trị 22.438 tỷ đồng, chiếm 19% giá trị tài sản thế chấp của khách hàng.
Trong vài năm, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của ngân hàng đều đạt trên 30%, cơ cấu cho vay các ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm mạnh, nợ xấu cũng ở mức dưới 2%... Trong khi một số ngân hàng cùng quy mô vẫn vật lộn với khó khăn, Nam A Bank đã thoát cảnh “chông chênh” để trở thành ngân hàng vững chắc về tài chính. Đây là điểm lạ trong tăng trưởng của ngân hàng này.
Cần lưu ý, với các cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng, tín dụng tăng trưởng trên 30% là rất… nóng. Vì thường kéo theo chất lượng tín dụng xấu (trong khi nợ xấu của Nam A Bank năm 2018 và 2019 chỉ là 1,54% và 1,97%).
Tăng trưởng tín dụng tốt, huy động cao, nhưng tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Nam A Bank từ 2018 đến nay đang tăng đều đặn, lần lượt là 64,2% và 63% (năm 2017 là 51,2%). So sánh với CIR của các ngân hàng khác như TP Bank (39,8%), HD Bank (44,6%) hay OCB (37%), con số trên 60% của Nam A Bank là khá cao. Có nghĩa, ngân hàng đang phải chi phí nhiều hơn, trong khi hiệu quả hoạt động chưa thực sự tăng.
Theo Thông tư 36/2014 của NHNN, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải duy trì tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) không quá 80%. Quy định này nhằm duy trì khả năng thanh khoản, đảm bảo năng lực tự bảo vệ của ngân hàng trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột.
Tại Nam A Bank, chỉ số LDR năm 2016 – 2017 ở mức lần lượt 69,4% và 88,9%. Sang năm 2018, con số này tiếp tục ở mức 88%, và 89% vào năm 2019. Huy động bao nhiêu cho vay (gần hết) bấy nhiêu, báo cáo tài chính “tin cậy, chắc chắn” của Nam A Bank thể hiện chất lượng tăng trưởng của ngân hàng đang “chòng chành” theo cách ấy.