Sở hữu 2 ngân hàng và sự kiện gia tộc tố nhau
Mới đây, lan truyền thông tin về việc cơ quan Công an đã quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TPHCM có liên quan đến các thành viên trong gia đình của cố doanh nhân Trần Thị Hường. Người đứng đơn tố cáo "bị chiếm đoạt tài sản" là ông Nguyễn Chấn (96 tuổi, ngụ quận 3,TPHCM) là chồng của cố doanh nhân Tư Hường. Ông Nguyễn Chấn đã gửi đơn tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước... Nội dung tố cáo có liên quan tới doanh nhân Nguyễn Quốc Toàn (49 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) - một trong số những người con của ông Chấn và bà Tư Hường.
Hiện ông Toàn đang nắm giữ nhiều chức vụ trong các công ty, tập đoàn mà vợ chồng ông Chấn – bà Tư Hường dành tâm huyết cả đời gây dựng, như: Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Phó chủ tịch HĐTV công ty TNHH Hoàn Cầu, thành viên HĐQT công ty CP Ngôi sao Thế giới, thành viên HĐQT công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang…
Những lình sình liên quan tới cổ đông của Nam A Bank đã âm ỉ thời gian dài, trước khi ông Nguyễn Chấn chính thức tố cáo bị chiếm giữ cổ phần. Năm 2018, một nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 16% cổ phần của Nam A Bank (ước tính khoảng 38 triệu cổ phiếu) đã phát đơn kiện ngân hàng vì lý do “không cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ về việc số cổ phần mà họ đã từng sở hữu đã… bị mất”. Nhóm cổ đông này khiếu nại việc chuyển nhượng cổ phần là không minh bạch, khiến cho cổ đông của ngân hàng bị mất quyền sở hữu cổ phần từ lúc nào mà chính họ cũng không hay biết. Vụ việc sau đó được giao cho Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM (Cục II) thụ lý, giải quyết.
Tới ngày 21/6/2019, ông Nguyễn Chấn xuất hiện tại đại hội đồng cổ đông Eximbank với tư cách cổ đông của ngân hàng này. Ông Chấn đề nghị đại hội đình chỉ các quyền cổ đông, phong tỏa và không cho chuyển nhượng cổ phần tại Eximbank của ông Nguyễn Quốc Toàn cũng như các bên liên quan, nhằm bảo đảm lợi ích cổ đông cũng như gia đình ông.
Theo ông Chấn, hai vợ chồng ông sở hữu tới 30% cổ phần tại Eximbank, ông Nguyễn Quốc Toàn cũng nắm giữ hơn 4% cổ phần. Tuy nhiên, ông Chấn tố ông Toàn chiếm giữ và chuyển nhượng trái phép số cổ phần của vợ chồng ông. Chứng minh cho thông tin này, ông Chấn đưa danh sách các cá nhân, tổ chức đứng tên sở hữu cổ phần tại Eximbank có liên quan tới nhóm cổ đông Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á. Tỷ lệ nắm giữ của nhóm cá nhân, tổ chức trong danh sách do ông Chấn liệt kê lên tới 29,11% vốn điều lệ của Eximbank.
Vòng xoáy
Ngày 22/6, thông cáo Nam A Bank ra cho biết đã tiếp nhận thông tin về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam A Bank (con ruột ông Nguyễn Chấn).
Theo đó, Nam A Bank khẳng định việc tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình của ông Nguyễn Chấn và ông Nguyễn Quốc Toàn, đặc biệt sau khi nữ doanh nhân Tư Hường (Cổ đông sáng lập Nam A Bank, vợ Ông Nguyễn Chấn) mất. Nam A Bank khẳng định đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động Nam A Bank.
“Đồng thời, trước sự việc này, người có liên quan trực tiếp là ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho một Phó Chủ tịch thường trực chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế và sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Nam A Bank cũng như quyền lợi của khách hàng. Hi vọng, những tranh chấp này sẽ được làm sáng tỏ và xử lý triệt để trong thời gian tới” - thông tin từ Nam A Bank cho biết.
Như vậy, thông tin trấn an này dường như lại phần nào xác nhận sự liên quan giữa ông Toàn và việc có sự "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" tại Nam A Bank, và tố cáo của ông Nguyễn Chấn là có cơ sở. Với Nam Á Bank, đó là một đòn giáng vào nỗ lực hồi sinh của ngân hàng này.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với năm 2017, hoàn thành 232% kế hoạch. Lợi nhuận năm 2018 của Nam A Bank có thể coi là đột biến, khi năm 2016 ngân hàng này chỉ lãi được 33 tỷ đồng, bằng chưa tới 17% so với năm 2015 (194 tỷ đồng). Và có nguyên nhân do chương trình xử lý nợ xấu của ngân hàng cho kết quả tốt. Tới năm 2017, nợ xấu của Nam A Bank giảm còn 1,4%, trong khi năm 2016 vẫn là 2,9%. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 800 tỷ đồng trong năm 2019.
Tuy nhiên, chưa cần tới việc khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", mà chỉ riêng những hoạt động xác minh, kiểm tra theo đơn tố cáo của ông Chấn đã đủ đẩy Nam Á Bank vào vòng xoáy. Trong quá trình xác minh, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu bên tố cáo phải chứng minh tài sản, và nguồn tiền để mua tài sản đó. Tương tự, bên bị tố cáo cũng buộc phải giải trình những thủ tục và dòng tiền đã có để sở hữu được tài sản ấy.
Nói cách khác, quá trình làm rõ tố cáo cũng đồng thời sẽ làm rõ những thương vụ "đòn bẩy" đã được sử dụng để xây dựng nên Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank, sau đó là để thâu tóm hai thực thể này, cùng hệ thống các doanh nghiệp con cháu đi kèm.
Trong đó, không loại trừ việc Nam A Bank nhiều năm được sử dụng như là đòn bẩy tài chính cho những dự án liên quan tới chuỗi các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Những tranh chấp về sở hữu bùng nổ kéo theo nguy cơ nhiều thương vụ cho vay dưới chuẩn, hay sai quy định cũng sẽ "lộ" theo.
Khi đó, quá khó để kéo Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu, hay thậm chí là cả Eximbank, khỏi rung chuyển vì những tranh chấp chỉ liên quan tới nội bộ gia đình.