Ngày 18/9, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tổ chức Hội nghị các đối tác phát triển ngành Khí tượng thủy văn tại Việt Nam. Đây là diễn đàn để các đối tác phát triển, nhà đầu tư và cán bộ ngành Khí tượng thủy văn cùng trao đổi, thảo luận và tìm kiếm cơ hội hợp tác, cùng nhau phát triển.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, 5 năm trở lại đây, sự trao đổi, hợp tác giữa Tổng cục KTTV và các đối tác phát triển không ngừng được tăng cường, mang lại những hiệu quả tích cực, tốt đẹp.
Những năm qua, ngành Khí tượng thủy văn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Trong đó, cơ sở vật chất, công nghệ quan trắc giám sát khí hậu biến đổi khí hậu từng bước được nâng cao, hiện đại hóa; chất lượng cảnh báo, dự báo từng bước được cải thiện, các bản tin cảnh báo dự báo kịp thời phục vụ người dân và công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự báo cũng đã từng bước hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro nâng cao hiệu quả cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; công tác truyền tin cũng có những chuyển biến đáng kể, các bản tin thiên tai được truyền đi với nhiều hình thức sử dụng các công cụ từ truyền thống tới hiện đại, dễ dàng tiếp cận…
Toàn cảnh hội nghị |
Đặc biệt, dự báo đã từng bước hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro nâng cao hiệu quả cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; công tác truyền tin cũng có những chuyển biến đáng kể, các bản tin thiên tai được truyền đi với nhiều hình thức sử dụng các công cụ từ truyền thống tới hiện đại, dễ dàng tiếp cận… Có được điều này một phần là nhờ sự trao đổi, hợp tác giữa Tổng cục và các đối tác phát triển không ngừng được tăng cường.
Tuy nhiên, hiện nay ngành KTTV đang và sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất chính là biến đổi khí hậu (BĐKH). Dưới sự ảnh hưởng của BĐKH, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng lớn, tần suất ngày càng cao, khó dự báo hơn trước và gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam xảy ra hàng loạt loại hình thiên tai từ bão đến dông lốc, sét, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở, nắng nóng… gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Đặc biệt, các hiện tượng rất hiếm gặp như bão và áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện cùng thời điểm, mưa rét, hạn hán kéo dài hay các thuật ngữ hiếm gặp lũ kép, đa thiên tai đang ngày càng trở nên quen thuộc. Các quy luật khí hậu đang ngày càng bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo của ngành Khí tượng thủy văn.
Cùng với đó, việc nâng cao vai trò của ngành KTTV trong phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước cũng gặp nhiều thách thức, yêu cầu các sản phẩm khí tượng thủy văn cần phải đa dạng hơn, thu hút hơn đi đúng và đi trúng nhu cầu của xã hội. Các sản phẩm không chỉ sử dụng được mà còn phải sử dụng hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, để đáp ứng được những yêu cầu về phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì ngành Khí tượng thủy văn còn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giai đoạn 10 – 20 năm tới.
Dưới sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế và sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam với các đối tác như Phần Lan, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Vương quốc Anh, Ngân hàng thế giới, Mạng lưới ra đa hiện đại được trang bị với 10 ra đa, trong đó có 7 ra da được lắp đặt trong 2 năm vừa qua, mạng lưới định vị sét hoàn chỉnh 18 trạm trên cả nước, hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống siêu máy tính đang được hoàn thiện đi vào vận hành...