Tận tâm, sốc sức gần nửa năm giành sự sống cho trẻ sinh non 29 tuần bị viêm ruột hoại tử

Ngay khi chào đời non yếu ở tuần thai thứ 29 và chỉ nặng 1.3kg tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé N.T.Q.H. (trú tại huyện Thanh Chương) đã được các bác sỹ đa chuyên khoa tận tâm, dốc sức chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị hàng loạt bệnh lý gần nửa năm trời. Đến nay, sau gần nửa năm đằng đẵng điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định, cân nặng đạt 3.5 kg và được xuất viện về nhà cùng gia đình.

Sinh non kèm đủ các bệnh lý nguy kịch

Khi mang thai ở tuần thứ 29, chị H. - mẹ bé N.T.Q.H. bị đau bụng dữ dội kèm ra huyết âm đạo, vỡ ối nên đã đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, sau khi được thăm khám và siêu âm, các bác sỹ liền chỉ định mổ lấy thai cấp cứu, bởi nếu để muộn hơn sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Do sinh non không đủ tháng nên sau khi sinh, bé N.T.Q.H. được đưa ngay lên Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh để nuôi dưỡng. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, suy hô hấp nặng.

Bé không tự thở được, phải thở máy, đặt ống nội khí quản, bơm surfactant điều trị màng trong. Từ đây, bệnh nhi cách ly mẹ và được chăm sóc hoàn toàn bởi các y bác sỹ của Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh.

Sau 2 ngày điều trị với thể trạng sơ sinh non yếu, kèm nhiều bệnh lý, trẻ lại càng nguy kịch khi xuất hiện thêm tình trạng bụng chướng, dịch dạ dày màu xanh, đi ngoài phân máu, viêm ruột hoại tử. Các bác sĩ Khoa Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh đã hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ngoại, chẩn đoán bệnh nhi bị thủng ruột và phải tiến hành phẫu thuật gỡ dính ruột, làm hậu môn nhân tạo.

tre-so-sinh-hoat-tu-ruot.jpg
Tận tâm, sốc sức gần nửa năm giành giật sự sống cho trẻ sinh non 29 tuần bị viêm ruột hoại tử.

Cuộc chiến trường kỳ dành giật sự sống cho trẻ

BSCKII Trương Lệ Thi - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết: "Viêm ruột hoại tử sơ sinh diễn biến nhanh và để lại hậu quả nặng nề. Nếu không phát hiện sớm và kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Để nối được ruột cho trẻ đòi hỏi cân nặng của trẻ phải đủ 2kg.

Tuy nhiên, quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi N.T.Q.H. rất khó khăn, trẻ sinh non cơ thể đã yếu ớt, mắc nhiều bệnh lý, phải điều trị thuốc kháng sinh nhiều, đặc biệt trẻ lại bị viêm màng não mủ, phải chọc dịch não tủy nhiều lần, ruột bị hoại tử, phải làm hậu môn nhân tạo khiến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ rất kém, việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ vô cùng vất vả, cơ thể trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch".

Sau 2,5 tháng, với sự chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình, phác đồ điều trị thích hợp của các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, tình trạng bệnh nhi N.T.Q.H. đã ổn định hơn, trẻ tự thở được và có thể bú mẹ hoàn toàn, cân nặng đạt 2,5kg.

Bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa để nuôi dưỡng và phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo.

Tuy nhiên, trên nền em bé suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, suy giảm miễn dịch, nên sau ca phẫu thuật đóng hậu môn, trẻ lại một lần nữa diễn biến xấu, bị viêm phổi nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ tiếp tục được chăm sóc, theo dõi liên tục và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa hơn 3 tháng.

Quãng thời gian gần 6 tháng trời dài đằng đẵng là cuộc chiến trường kỳ mà y, bác sĩ giành giật sự sống cho em bé từ tay tử thần. Và đến hiện tại, chuyên môn cao và tình yêu thương của người thầy thuốc đã níu giữ được sự sống cho bé. Sức khỏe bé N.T.Q.H. đã ổn định, hô hấp bình thường, cân nặng đạt 3.5kg, được xuất viện về nhà.

Được tận tay chăm sóc cho con trai bé bỏng của mình, chị H. - mẹ bé N.T.Q.H. không giấu nổi xúc động: "Lựa chọn sinh con tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là quyết định duy nhất và sáng suốt của vợ chồng tôi. Thời gian phải cách ly với con là chuỗi ngày dài đằng đẵng với vợ chồng chúng tôi. Con sinh thiếu tháng lại mắc nhiều bệnh lý khi sinh ra khiến con quá yếu ớt, hy vọng sống của con cũng mong manh quá.

Gia đình chúng tôi chỉ biết đặt tất cả niềm tin vào các bác sỹ nơi đây. Nay được nhìn thấy con, được ôm con trong vòng tay để tự mình có thể chăm sóc cho con thật lòng tôi không biết diễn tả cảm giác hạnh phúc của mình như thế nào nữa.

Tận mắt chứng kiến mới thấy được sự vất vả cũng như tâm huyết của các bác sĩ nơi đây. Thay mặt gia đình, tôi thực sự cảm ơn các y bác sĩ của bệnh viện rất nhiều".

Với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về Sản - Nhi khoa, kỹ thuật chuyên sâu, cùng sự kết hợp nhiều chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã và đang trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy cho hàng nghìn mẹ bầu, trẻ sơ sinh mỗi ngày.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top