Mũi tên trúng nhiều đích
TS Phạm Văn Hội cho biết, rác hữu cơ có chất lượng cao trong nhà bếp gồm bã tôm, bã cua, cơm canh, thịt cá… dư thừa sau bữa ăn thường gây mùi hôi thối mạnh khi ủ để làm nguồn dinh dưỡng bón cho cây hoặc ném bỏ dưới dạng rác thải sinh hoạt…
Từ thực tế này, TS Phạm Văn Hội và các cộng sự đã cho ra đời hệ thống xử lý rác thải hữu cơ (bán tự động), và đầu ra của sản phẩm sau xử lý sẽ được sử dụng tưới tự động cho cây rau, cây cảnh. Cách này vừa tận dụng được hết nguồn rác thải “vàng” trong bếp, vừa có nguồn dinh dưỡng bón cho cây, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống được thiết kế khá gọn nhẹ gồm 3 phần: Bể chứa nước và thùng chứa rác hữu cơ; hệ thống vận hành kiểu thủy canh; bơm nước và sục khí.
Bể chứa nước có thể tích khoảng 0.5 – 0.7m3 (phù hợp cho qui mô gia đình 4 - 6 người). Rác sinh hoạt hữu cơ (đặc biệt là các loại rác hữu cơ giàu dinh dưỡng như cơm thừa, canh thừa, xương cá, xương thịt thừa sau bữa ăn, bã tôm cua…) sau khi thu gom sẽ được đổ trực tiếp vào thùng chứa. Người dân có thể đổ hàng ngày hoặc 2 - 3 ngày một lần tùy lượng rác thải và thời gian có thể huy động của mỗi gia đình. Trong bể thả 5 - 10 cá rô để kiểm soát ấu trùng muỗi. Lượng cá thả có thể tăng lên tương đương 15 - 20kg cá nếu tăng diện tích rau và cây cảnh.
Hệ thống vận hành được thiết kế theo dạng thủy canh nhằm mục đích tăng cường oxy giúp tăng cường quá trình phân hủy tự nhiên đối với rác thải. Ngoài ra, hợp phần này còn là môi trường để vi sinh vật cư trú và phân hủy hữu cơ; tạo các giao động vật lý giúp kiểm soát tảo phát triển trong nước ủ phân…
Hệ thống sục khí và máy bơm sẽ giúp cung cấp oxy để thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ tự nhiên. Với sự vận hành đồng bộ của các hệ thống này, mùi hôi và vi sinh vật gây hại được kiểm soát. Nước ủ tương đối trong (cá sống và phát triển tốt trong điều kiện nắng nóng vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông ở Hà Nội) và đặc biệt là không có mùi.
Tốt cho cây, cải tạo đất
Theo TS Phạm Văn Hội, hệ thống vận hành hoàn toàn tự động. Rác thải sau khi đổ vào, hệ thống sẽ tự động đưa nước vào để ủ và phân hủy rác thải. Đặc biệt, nước ủ không cần bổ sung vi sinh hoặc bất kỳ hóa chất nào khác nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng (hệ thống thủy canh). Đặc biệt, do sử dụng môi trường nước ủ và dùng nước tưới trực tiếp, dinh dưỡng thấm thẳng xuống đất không chỉ là nguồn dinh dưỡng cho cây giúp cây phát triển mà còn giúp cải tạo đất.
Các thử nghiệm cho thấy, với công suất bơm 300W, mỗi ngày hệ thống bơm hai lần (50 giây với khoảng 70 - 80 lít nước cho mỗi lần tưới) sẽ tưới được được khoảng 6 m2 trồng rau trên tầng thượng và 25 chậu cây cảnh (chậu cảnh có thể đặt ở các tầng, hệ thống sẽ có ống nối dẫn nước xuống từng tầng rất tiện lợi).
Ngoài ra, việc điều tiết chế độ bơm tự động và dinh dưỡng hữu cơ được cấp thường xuyên giúp cây phát triển tốt trong điều kiện tầng đất trồng mỏng (10 - 12cm, trên tầng thượng), và điều kiện nắng nóng ở Hà Nội mà không cần mái che.
Sau khoảng 1 năm, người dân có thể tiến hành vệ sinh hệ thống bằng cách dừng đổ rác hữu cơ vào hệ thống trong 1 - 2 tuần. Sau đó làm vệ sinh thùng nhận rác. Cặn/rác còn lại chủ yếu là mỡ dư thừa có thể dùng trộn với đất trồng cây cảnh.
TS Phạm Văn Hội cho biết, hệ thống được thiết kế khá linh động để phù hợp với điều kiện của mỗi hộ gia đình đình (diện tích lắp đặt, lượng rác thải hữu cơ dư thừa, diện tích trồng rau/cây cảnh). Giá của hệ thống tùy theo vật liệu dao động khoảng từ 8 - 15 triệu đồng/hệ thống cho gia đình 4 - 6 người.
Ngoài hộ gia đình, hệ thống cũng có thể áp dụng cho sản xuất rau/quả, xử lý chất thải chăn nuôi ở qui mô nhỏ và vừa.
Theo TS Phạm Văn Hội, hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và tưới bán tự động phù hợp với các gia đình đô thị giúp tiết kiệm nước tưới, cung cấp các loại rau sạch cho gia đình đồng thời tận dụng được nguồn rác thải hữu có trong nhà bếp, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường.