Theo cách phân chia lại của Liên đoàn bóng đá thế giới thì Nhật Bản, Iran ở nhóm hạt giống đầu tiên, các nhóm sau lần lượt là Hàn Quốc, Australia (nhóm 2), Saudi Arabia, UAE (nhóm 3), Iraq, Trung Quốc (nhóm 4), Oman, Syria (nhóm 5) và Việt Nam, Lebanon (nhóm 6).
Ngoài đối thủ Lebanon, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt cả 10 đội bóng còn lại ở vòng bảng. Ở nhóm một, Nhật Bản hay Iran đều là những đối thủ ở đẳng cấp cao hơn hẳn đội tuyển Việt Nam.
Đoàn quân HLV Park từng thua Nhật Bản 0-1 và Iran 0-2 ở Asian Cup 2019 trong những trận đấu thua kém đối thủ toàn diện. Do đó, việc chạm trán đối thủ nào cũng đều khó khăn như nhau.
Ở nhóm hai, sức mạnh của Hàn Quốc và Australia tương đương nhau, đều ở đẳng cấp cao bậc nhất châu Á. HLV Park từng chia sẻ muốn tránh Hàn Quốc bởi lối chơi của đội bóng xứ Kim chi luôn khiến đội tuyển Việt Nam bị lấn át hoàn toàn về thế trận.
Ở nhóm 4, trình độ của Iraq và Trung Quốc được đánh giá là tương đồng. Trung Quốc đã toàn thắng cả 4 trận cuối cùng ở vòng loại thứ hai và họ phần nào tìm được sức mạnh của đội bóng top 10 châu Á.
Iraq từng đánh bại đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019, họ kém đẳng cấp của Iran, Saudi Arabia, ngang trình độ với Qatar, UAE nhưng nhỉnh hơn Syria, Jordan, Bahrain, Oman, Lebanon trong bản đồ bóng đá Tây Á.
Ở nhóm 5, thực lực của Oman và Syria cũng không có khác biệt nhiều. Bóng đá Việt Nam nhiều lần hạ Syria ở cấp độ U23, nhưng đội tuyển Syria ở một đẳng cấp khác. Ở vòng loại thứ ba World Cup 2018, Syria đứng thứ ba ở bảng đấu và chỉ thua Australia ở trận play-off khu vực châu Á.
Nhóm đấu mà đội tuyển Việt Nam giành sự quan tâm nhất chính là nhóm 4, nơi có sự hiện diện của Saudi Arabia và UAE. Dù vị trí trên bảng xếp hạng FIFA khá gần nhau, nhưng đẳng cấp giữa hai đội lại là sự khác biệt.
Saudi Arabia đã có 5 lần dự VCK World Cup và nằm trong top 5 châu Á. Tại World Cup 2018, Saudi Arabia dù bị loại sớm nhưng họ cũng tạo tiếng vang ở vòng bảng với chiến thắng trước Ai Cập của Mohammed Salah. UAE chỉ duy nhất một lần dự World Cup vào năm 1990, nhưng bị thua cả ba trận.
Đội tuyển Việt Nam từng thua UAE 2-3 ở bảng G, nhưng nếu tái ngộ đối thủ này ở vòng đấu kế tiếp có thể sẽ là phương án dễ thở nhất với đoàn quân HLV Park Hang Seo, bởi Saudi Arabia rõ ràng là một sự khác biệt hẳn về đẳng cấp so với châu lục.
Lễ bốc thăm vòng loại thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 1/7 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Trong đó, mỗi nhóm hạt giống gồm Nhật Bản, Iran (nhóm một) Hàn Quốc, Australia (nhóm 2), Saudi Arabia, UAE (nhóm 3), Iraq, Trung Quốc (nhóm 4), Oman, Syria (nhóm 5) và Việt Nam, Lebanon (nhóm 6) sẽ có một đội bóng được phân vào hai bảng đấu khác nhau. Những đội gặp nhau ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 vẫn có thể đụng độ nhau ở vòng đấu này.
12 đội bóng ở hai bảng đấu sẽ tranh nhau 4,5 suất tham dự World Cup 2022. Hai đội đầu hai bảng sẽ giành vé trực tiếp. Các đội xếp thứ 3 ở mỗi bảng sẽ đá play-off. Đội chiến thắng sẽ gặp một trong ba đội dự vòng play-off Liên lục địa của châu Đại Dương, Nam Mỹ và CONCACAF.