Hành chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và các hợp chất hữu cơ bao gồm các hợp chất lưu huỳnh và quercetin, các thành phần khoáng chất như canxi, magiê, natri, kali, selen, phốt pho và là một nguồn cung cấp vitamin C, vitamin B6, chất xơ rất tốt.
Hành có công năng kháng vi khuẩn, virus, nấm trong cơ thể. Người bị cảm cúm, tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, viêm nhiễm, béo phì thừa cân, ngoại cảm phong hàn, nội thương thấp trệ đều có thể dùng hành. Các chất phytochemicals có trong củ hành là chất kích thích cơ thể hấp thu vitamin C, nhờ vậy hệ miễn dịch sẽ được tăng cường khi ta ăn hành.
Hành được ví như thuốc chống đông máu, còn được gọi là chất làm loãng máu, giúp ngăn ngừa các tế bào hồng cầu hình thành cụm. Những khối và cục máu đông này có thể dẫn đến các dạng rối loạn tim mạch hoặc bệnh tim mạch. Người bị tiểu đường được khuyên ăn hành vì hành có chứa crom, là khoáng chất tương đối khó tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên. Crom giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu và đảm bảo sự phóng thích glucose chậm, do đó, ăn hành củ có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Để chữa đái tháo đường, người bệnh được khuyên ăn các món xào, nấu canh, nấu súp, hủ tiếu, phở, cháo cho nhiều hành. Để chữa chóng mặt, khi nằm cũng chóng mặt do đàm thấp huyết ứ dùng hành xào giá đậu thịt lợn hoặc các món ăn cho nhiều hành. Chữa bí tiểu, tiểu khó phải rặn lấy hành cả cây giã, xào nóng đắp chườm bụng dưới cho ấm vào trong, kết hợp sắc nước cho uống. Để chữa đau đầu, nghẹt mũi lấy 4 - 5 khía hành, 20g đậu xị nhạt, 20g gừng tươi đun sôi uống. Người cảm mạo, tưa lưỡi dùng hành nấu canh cá chép làm món khai vị, giúp ăn ngon, dễ tiêu.
Lương Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)