Nắm công tác thanh niên để chờ thời cơ
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật hất thực dân Pháp, thâu tóm toàn xứ Đông Dương. Tạ Quang Bửu được công nhân bầu làm Giám đốc Nhà máy điện Huế. Phát xít Nhật vác gươm kéo đến tìm ông tại nhà máy, dọa sẽ chặt đầu nếu không cung cấp điện đầy đủ. Bối cảnh chính trị xã hội trên thế giới và ở Đông Dương đầu những năm 1940 hết sức phức tạp và nhạy cảm. Trước tình hình đó, hai Tổng ủy viên hướng đạo Hoàng Đạo Thúy và Tạ Quang Bửu đã bí mật gặp nhau trên núi Mã Yên, Hoa Lư, Ninh Bình nhằm thống nhất về đường lối, thái độ của phong trào hướng đạo trước những biến chuyển thời cuộc hết sức nhanh chóng và sâu sắc diễn ra trên thế giới và trong nước. Hai ông cùng trao đổi và đi đến một quyết định dứt khoát: "Độc lập dân tộc, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ ông Nguyễn Ái Quốc vì chỉ có Đảng Cộng sản mới giành được độc lập. Không theo Anh, Mỹ. Không theo chính sách "Đại Đông Á" của Nhật, lợi dụng chúng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu".
Tháng 4/1945, ông Trần Trọng Kim đứng ra thành lập chính phủ tại Huế, mời nhiều trí thức tên tuổi tham gia nội các. Luật sư Phan Anh, người Nghệ An được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Vốn biết nhau từ trước, ông đã mời Tạ Quang Bửu làm cố vấn cho mình. Lúc đó, hai anh em nhà Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cũng đang có những mưu đồ chính trị riêng, đã lần đến nhà đề nghị Tạ Quang Bửu hợp tác. Nhưng ông từ chối, lấy cớ đã nhận làm cố vấn cho ông Phan Anh rồi.
Việc Tạ Quang Bửu làm việc cho chính phủ Trần Trọng Kim khiến không ít người ngạc nhiên vì trước nay ông không hề ưa quan trường. Về sau người ta mới vỡ lẽ sở dĩ ông làm vậy để nắm lấy công tác thanh niên, chờ thời cơ. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu rất tâm đầu ý hợp, họ phân tích kỹ thời cuộc và nhận định Nhật chắc chắn thua trận, Đồng Minh thắng lợi sẽ ủng hộ Pháp quay trở lại Đông Dương. Muốn giành độc lập, nhân dân ta phải chiến đấu và nhiệm vụ của họ là phải phát huy được vai trò và sức mạnh của thanh niên. Bộ Thanh niên tổ chức hai hướng hoạt động: Thanh niên Tiền tuyến nhằm huấn luyện về mặt võ bị cho thanh niên sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang chống thực dân Pháp, nhiều người trong số này là các hướng đạo sinh hoặc đã bí mật tham gia Việt Minh. Học viên của trường đã trở thành lực lượng xung kích trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Trường cũng đảm nhận việc bảo vệ lễ ra mắt của UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên, bảo vệ Phái đoàn của Chính phủ Trung ương từ Hà Nội vào tiếp nhận ấn kiếm trong lễ thoái vị của Vua Bảo Đại ngày 23/8/1945. Lực lượng thanh niên Tiền tuyến còn mưu trí bắt gọn một toán quân Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền. Một số trong họ đã trở thành những cán bộ cốt cán trong hàng ngũ giải phóng quân chống thực dân Pháp sau đó.
Khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, hai ông Phan Anh và Tạ Quang bửu được giao nhiệm vụ đi ra miền Bắc, tuyên truyền chủ trương trao trả lại chính quyền cho nhân dân. Trước đó, Tạ Quang Bửu đã trao mật lệnh cho các thủ lĩnh thanh niên ở các địa phương, hễ Việt Minh cướp chính quyền thì trao ngay, không kháng cự. Ông còn dặn Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Trần Trọng Kim điện mật cho các tỉnh phải tuyệt đối không gây va chạm với quân Nhật, để tránh sự đụng độ giữa ta và Nhật, tạo thuận lợi cho lực lượng cách mạng.
Tích lũy kiến thức cho cuộc kháng chiến trường kỳ
Ra tới Hà Nội, hai ông Tạ Quang Bửu và Phan Anh gặp ông Đặng Thai Mai trao đổi tình hình. Mấy hôm sau, ông Đặng Thai Mai đưa Tạ Quang Bửu vào Bắc Bộ Phủ gặp Hồ Chủ tịch. Ông kể: “Buổi trưa tôi ở lại ăn cơm với Hồ Chủ tịch. Đũa bát thống sứ rất sang, nhưng chỉ có canh rau muống và cơm gạo không tốt lắm. Phấn khởi được ăn một bàn với Chủ tịch nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, nhưng đói”. Những ngày đầu nóng bỏng của cuộc Cách mạng tháng Tám, Tạ Quang Bửu luôn ở bên cạnh Hồ Chủ tịch, làm thư ký tiếng Anh cho Bác, vừa đảm nhiệm việc liên lạc với phái bộ Mỹ và phái bộ Anh. Hồ Chủ tịch kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và chỉ định 4 tham nghị trưởng: Tạ Quang Bửu phụ trách việc giao thiệp với Mỹ, Anh; Bùi Lâm giao thiệp với Pháp; Nguyễn Đức Thụy nói tiếng Quảng Đông giỏi được cử giao thiệp với Quốc Dân Đảng và Trần Đình Long từ Liên Xô về. Ban tham nghị này có một tổng thư ký là ông Nguyễn Văn Lưu, cử nhân Luật. Chức Thứ trưởng Ngoại giao do ông Hoàng Minh Giám nắm giữ. GS Tạ Quang Bửu nhớ lại: “Tôi ở một cái nhà trước Bắc Bộ Phủ và ngân hàng. Mỗi buổi sáng tôi đến rất sớm để chạy việc vặt cho Bác. Chủ yếu là đưa thư cho các tướng tá Mỹ, tiếp họ hoặc đưa họ đến gặp Bác. Lúc đó Bác viết nhiều thư kêu gọi Truman. Bác giao cho tôi thảo, Bác chữa. Lần đầu tiên, Bác xem bản thảo của tôi: “Sao chú dốt thế!”. Bác thấy tôi không tự ái, bèn phân tích thêm chỗ nào dốt về mặt chính trị, chỗ nào dốt về Anh văn. Bác chữa nát. Tôi thảo lại. Sau một thời gian, Bác chữa càng ít, tôi viết càng nhanh, coi như đã thành thạo trong nghề viết thư cho các tổng thống?”.
Tháng 1/1946, Tạ Quang Bửu được bầu làm đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Hồ Chí Minh vào tháng 3/1946. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Tạ Quang Bửu là một trong những thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Pháp tại Đà Lạt. Ông cùng với Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hồng Khanh, Phan Phác, Kiều Quang Cung được phân công vào tiểu ban quân sự do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Mặc dù công việc bề bộn, nhưng Tạ Quang Bửu vẫn dành thời gian tự học thêm về cơ học thống kê và cơ học lượng tử nhằm tích lũy kiến thức trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng với ý thức như vậy, trong thời gian tham dự hội nghị Fontainebleau tại Paris, ông còn tìm mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học kỹ thuật hết sức cần thiết và quý giá đối với ngành quân giới trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra, Tạ Quang Bửu cũng chính là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân… Những người sau đó đã từ bỏ tất cả để theo Hồ Chủ tịch trở về phụng sự đất nước và dân tộc.
GS Tạ Quang Bửu tham gia Tổng Quân ủy, làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao và trở thành Bộ trưởng Quốc phòng năm 1948. Khi Bộ Quốc phòng được tổ chức lại, ông trở về làm Thứ trưởng, lo công tác hậu cần và thay mặt Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đi thị sát các mặt trận để về báo cáo lại tình hình trong các phiên họp Hội đồng Chính phủ, giúp Bộ trưởng trong công tác khoa học kỹ thuật quân sự. Trong cuộc kháng chiến “ba nghìn ngày không nghỉ” ấy, ngành quân giới non trẻ đã khiến giặc Pháp kinh hoàng vì những loại vũ khí tự chế tạo, trong đó phải kể đến công lao của GS Tạ Quang Bửu. GS Trần Đại Nghĩa vừa về nước, lập tức tiếp quản ngay chương trình nghiên cứu chế tạo súng Bazoka của ông đã tâm sự: “Đúng là trong một số việc cụ thể, tôi trực tiếp làm nhiều hơn anh Bửu. Nhưng sở dĩ có thể làm được những công việc ấy là nhờ luôn được anh Bửu chỉ dẫn, giúp đỡ và cộng tác”.
(còn nữa)