3 tháng gần đây bác N.V. S. (60 tuổi, Bắc Giang) thấy sụt hơn 10kg nên vội đi khám. Bác S. được bác sĩ thăm khám, làm nhiều xét nghiệm, kết luận là bác bị tiểu đường týp 2, đường huyết cao trên 38mmol/l, rối loạn điện giải, suy thận cấp. Bệnh nhân sau đó đã được chỉ định xử trí ban đầu tiêm liều Bolus insulin regular theo cân nặng, sau đó duy trì insulin theo bơm tiêm điện và truyền dung dịch Natri Clorid đẳng trương. Bệnh nhân được kiểm tra đường máu mỗi giờ một lần, sau 3 giờ đường huyết đã giảm xuống còn 15.6mmol/l và đỡ khát, đỡ mệt.
Lời bàn: ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Xuân, Phó khoa Nội, Chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trường hợp của bệnh nhân này, do đường huyết cao dẫn đến mất nước thẩm thấu qua nước tiểu, biểu hiện bằng triệu chứng khát nước nhiều, da khô, tiểu tiện nhiều lần. Hậu quả của tình trạng mất nước nhiều chính là rối loạn nước điện giải, suy thận cấp, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, hầu hết người bị tiểu đường không biết rằng mình đang mắc căn bệnh này, trong đó có đến 85% trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã có những biến chứng của đái tháo đường. Nguyên nhân do bệnh đái tháo đường là một quá trình diễn biến lâu dài với những biểu hiện không điển hình nên rất khó nhận biết. Số đông bệnh nhân chỉ biết mình mắc bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám một bệnh lý nào khác. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện rõ rệt như sụt cân nhiều, mất nước, mệt mỏi mới đến viện thăm khám như bệnh nhân S. không phải là hiếm gặp. Nếu bệnh nhân đến viện muộn chút nữa có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.