Lợi ích của hệ vi sinh đường ruột
Theo các nghiên cứu khoa học thì 70 – 80% tế bào miễn dịch trong cơ thể nằm chủ yếu tại đường ruột và tương tác rất chặt chẽ với hệ vi sinh vật tại đây cũng như những gì chúng ta đưa vào cơ thể hàng ngày như thức ăn, nước uống, các chất kháng sinh...
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra các lợi ích to lớn của hệ vi sinh đường ruột đối với sức khỏe miễn dịch. Đó chính là quần thể các nhóm vi sinh vật sống và phát triển trong đường ruột của chúng ta với hàng nghìn tỷ vi sinh vật (ước tính gần 1.000 chủng loài khác nhau), một số loại vi khuẩn có lợi điển hình như Lactobacilli, Bifidobacteria… Phần lớn các chủng vi khuẩn hiện diện chủ yếu ở ruột già (đại tràng), nhưng còn được tìm thấy ở dạ dày, ruột non, thực quản. Chính hệ vi sinh vật này có trách nhiệm kích thích đào tạo miễn dịch bẩm sinh, giúp cơ thể chúng ta chống lại tác nhân lây nhiễm một cách hiệu quả.
Sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc tính di truyền, lối sống vật chủ, chế độ dinh dưỡng, thuốc và kháng sinh sử dụng hàng ngày, sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến sức khỏe của vật chủ.
Khi hệ vi sinh thay đổi mất cân bằng còn gọi là rối loạn hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn đến nhiều bệnh như: viêm ruột; các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường, tim mạch...; các bệnh tự miễn dịch như hen suyễn, viêm khớp…
Do đó, nếu chúng ta có lối sống không lành mạnh, ăn uống các thực phẩm độc hại, “bẩn”, không rõ nguồn gốc thì niêm mạc ruột thường xuyên phơi nhiễm với các vi khuẩn gây hại, dẫn đến các viêm nhiễm mãn tính cấp độ thấp gây ra các rối loạn nội tại khác nhau.
Chế độ ăn uống quyết định sức khỏe đường ruột
Để cải thiện và phòng ngừa sự mất cân hệ vi sinh đường ruột, chúng ta cần lưu ý:
• Tránh lạm dụng các loại thuốc Tây, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Đừng thấy nhức đầu, đau răng, mỏi cơ một chút là ra mua các loại thuốc giảm đau, vì sẽ gây hại cho các vi sinh vật có lợi.
• Tránh sự căng thẳng, giận dữ… vì khi đó cơ thể sẽ tiết ra các hormon làm giảm các lợi khuẩn, tạo cơ hội cho các nhóm hại khuẩn phát triển.
• Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn ngọt, chiên xào, nhiều bột đường và dầu mỡ là thức ăn của các nhóm hại khuẩn sẽ gây rối loạn sinh học làm mất cân bằng hệ vinh sinh đường ruột.
• Tiêu thụ thực phẩm, đồ uống lên men có chứa vi sinh vật, chẳng hạn như kimchi, sữa chua không đường chứa men kefir, đậu nành lên men tempeh, trà lên men kombucha… Bên cạnh đó, thực phẩm lên men có chứa các vitamin và các phân tử hoạt tính sinh học khác (polyamines, bioactive peptides) được tạo ra từ quá trình trao đổi chất của vi sinh vật, sẽ hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
• Rau xanh trái cây: Chú trọng các nhóm nhiều chất xơ tan như FOS (Fructose Oligo saccharides), inulin…là thức ăn của lợi khuẩn đường ruột, giúp tạo ra các axit béo chuỗi ngắn là nguồn năng lượng cho các tế bào ruột, hỗ trợ chức năng miễn dịch và trao đổi chất đem đến các lợi ích sức khỏe khác nhau. Nhóm chất xơ này được tìm thấy trong rau củ, trái cây như atiso, tỏi, rễ rau diếp xoăn, củ dền, củ hành tây, chuối chín, dưa hấu…
Hãy kết hợp thực phẩm lên men và rau xanh trái cây như là một phần của chế độ ăn toàn phần lành mạnh, giúp bạn tái tạo sự cân bằng của hệ vi sinh này và nâng cao sức khỏe, giảm các viêm nhiễm bên trong cơ thể để có một chất lượng cuộc sống tốt nhất.
ThS Lê Minh Trí (Huấn luyện viên sức khỏe được chứng nhận từ Học viện dinh dưỡng tích hợp IIN Hoa Kì, Institute for Integrative Nutrition)