Sự thật về 2 loại thuốc phòng đột quỵ: Người dân đang tiêm theo phong trào

Hiện trên cả nước đang rộ lên trào lưu mọi người đua nhau đi “tiêm truyền thuốc phòng đột quỵ” Cerebrolysin và Luotai. Nhưng theo các chuyên gia, thuốc không có tác dụng phòng đột quỵ tiêm sai chỉ định có thể gây tai biến, đột quỵ...

Đua nhau đi tiêm thuốc phòng đột quỵ có nên?

Theo BS.CKII. Diệp Trọng Khải - Trưởng Khoa Nội Thần Kinh BVĐK Xuyên Á cho biết, Gần đây, nhiều người dân mách nhau đi tiêm truyền một số loại thuốc để "phòng đột quỵ". Cụ thể, 2 loại thuốc người dân rủ nhau tiêm truyền là Cerebrolysin và Luotai.

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với nỗi lo sợ về đột quỵ và các biến chứng có thể xảy ra, nhiều người đã tự mua các loại thuốc chống đột quỵ để sử dụng. Tuy nhiên, thuốc chống đột quỵ chỉ nên dùng ở người từng bị đột quỵ cần phòng ngừa đột quỵ tái phát hoặc người có nguy cơ đột quỵ rất cao.

Nếu bạn đang khỏe mạnh, bạn không cần phải dùng thuốc chống đột quỵ. Việc dùng thuốc sai cách có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác. Thay vào đó, bạn có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng các biện pháp không dùng thuốc.

Trong trường hợp bạn có các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao, cholesterol trong máu cao,… bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của bạn và tư vấn phương pháp phòng ngừa đột quỵ phù hợp.

Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.

Theo chuyên gia, Cerebrolysin là loại thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não, tốt cho người lớn tuổi. Luotai là thuốc chiết xuất từ cây tam thất, thường được chỉ định dùng cho những người đã bị đột quỵ để hỗ trợ tan huyết khối.

Hai loại thuốc trên không có tác dụng để ổn định hạ huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Việc dùng hai loại thuốc này cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và người dân không nên tự tiêm truyền tại nhà.

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện TƯQĐ 108 - Ảnh BVCC

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện TƯQĐ 108 - Ảnh BVCC

Tiêm tại nhà cẩn thận mất mạng

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, Thạc sĩ, Dược sĩ Lê Quốc Thịnh, Giảng viên khoa Dược, trường Cao Đẳng Y Hà Nội cho biết, hiện có nhiều người thường mua các loại thuốc bổ não như Cerebrolysin, Luotai.. dạng tiêm để tiêm tại nhà với mục đích phòng ngừa đột quỵ, giúp não tăng cường hoạt động ghi nhớ, tập trung khi học tập, làm việc, giảm các tình trạng hoa mắt, chóng mặt,…

Đây là loại thuốc tiêm cần phải có chỉ định của Thầy thuốc mới được sử dụng. Bản chất của thuốc nhóm này cũng có một số cảnh báo cần lưu ý khi sử dụng để tránh tai biến đáng tiếc.

Theo ThS.DS Thịnh, thuốc Cerebrolysin là một trong những loại thuốc tiêm được sử dụng nhiều nhất và bán khá chạy trên thị trường. Đây là một dạng peptid được sản xuất bằng phương pháp cắt đoạn bởi enzym dựa trên công nghệ sinh học đã được chuẩn hóa. Cerebrolysin được sản xuất từ protein não lợn đã được tinh chế, dạng dung dịch của thuốc dùng để tiêm hoặc truyền không có chứa protein, lipid hay những hợp chất có tính kháng nguyên khác.

Thuốc Cerebrolysin được đóng vào ống tiêm với thể tích là 5ml hoặc 10ml. Trong đó, mỗi ml dung dịch có chứa 215,2mg peptid Cerebrolysin concentrate. Đây là chất có tác dụng điều hòa chức năng của các tế bào thần kinh, giúp cho việc vận chuyển máu bổ sung cho não diễn ra bình thường không bị trì trệ, tăng cường tập trung trí nhớ cho những người hay quên hay thiếu tập trung khi học tập, làm việc.

Thuốc Cerebrolysin được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, người bệnh nên sử dụng thuốc khi có sự giám sát của nhân viên y tế. Dung dịch Cerebrolysin có thể pha với nước muối sinh lý hoặc glucose 5%, dung dịch ringer lactac, dextran 40, với tốc độ truyền tối thiểu từ 20-60 phút.

Để sử dụng thuốc an toàn hãy tiêm hoặc truyền thuốc Cerebrolysin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định.

Trong thành phần của ống tiêm cerebrolysin còn có chất ổn định là sodium hydroxide có thể gây sưng đau tại vị trí tiêm. Ngoài ra với bản chất của thuốc Cerebrolysin làm cho bệnh nhân có cảm giác nóng vùng tiêm nếu tiêm quá nhanh.

Sử dụng thuốc Cerebrolysin đúng liều lượng để có được nhiều lợi ích nhất từ nó và có thể ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện.

Một số tác dụng không mong muốn như run, đau đầu, tăng thân nhiệt nhẹ nên chú ý theo dõi nếu có xảy ra và nên báo trước cho bệnh nhân để lưu ý. Tiêm Cerebrolysin có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.

Do vậy, khi có biểu hiện những triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với những dấu hiệu kèm theo như chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, phát ban, lo âu, suy giảm nhận thức, suy hô hấp và hôn mê, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để được can thiệp y tế ngay lập tức.

Xem phim cho bệnh nhân đột quỵ não - ảnh BSCC

Xem phim cho bệnh nhân đột quỵ não - ảnh BSCC

Tương tự, Luotai là thuốc có nguồn gốc thảo dược và động vật dùng để chống thiếu máu não, giảm tỉ lệ đột quỵ gây ra bởi tổn thương do hiện tượng tưới máu lại vùng não bị thiếu máu.

Nó cũng có tác dụng làm giảm phù não và giảm nồng độ canxi trong mô não bị thiếu máu, tăng cường dòng máu não - tim, gây giãn mạch máu não - tim, cải thiện huyết động học. Vì vậy nó góp phần ức chế sự tạo huyết khối (tỉ lệ ức chế đạt 92,1%), cho nên có tác dụng đề phòng đột quỵ ở những người có nguy cơ cao.

Luotai được dùng để dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân có nguy cơ cao như bệnh nhân tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp...Luotai có cả dạng uống. Cần thông báo cho bệnh nhân các phản ứng không mong muốn như khô họng, đỏ mặt, đánh trống ngực, nổi mẩn ngứa...

Người có cơ địa dễ dị ứng, bị xuất huyết não không nên dùng thuốc Luotai ...

ThS.DS Thịnh cảnh báo, người bệnh tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc. Không nên tiêm các loại thuốc này tại nhà mà chỉ tiêm khi có chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tiêm đúng cách tại cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu chống sốc hoặc phản ứng dị ứng có thể xảy ra.

"Đột quỵ chỉ có thể dự phòng bằng cách kiểm soát tốt các bệnh lý nền và thay đổi lối sống như tăng cường tập thể dục, giảm cân, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng.

Theo đó, chế độ ăn lành mạnh cần tăng cường bổ sung rau xanh, ăn ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thức ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ uống có ga…; Cai thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.

Khi người bệnh đã thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục nhưng không hiệu quả thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao gặp triệu chứng hẹp động mạch, bác sĩ sẽ chỉ định nong dự phòng đột quỵ hoặc đặt stent." - BS.CKII. Diệp Trọng Khải khuyên

Theo Đời sống
back to top