Nỗi lo rạp cưới lấn chiếm lòng đường

Đã từ lâu, báo chí và các phương tiện truyền thông thường đưa tin, hình ảnh phản ánh tình trạng nhiều hộ gia đình tổ chức đám cưới ở…ngoài đường. Họ dựng rạp dài, rộng để chiếm lòng lề đường, gây cản trở, làm mất an toàn giao thông.
Rạp dài, rộng để chiếm lòng lề đường, gây cản trở, làm mất an toàn giao thông

Rạp dài, rộng để chiếm lòng lề đường, gây cản trở, làm mất an toàn giao thông

Vấn nạn rạp cưới lấn chiếm đường giao thông ở nước ta luôn là thực trạng nhức nhối, mặc dù đã có quy định vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng...

Và thực tế, tại nhiều địa phương đã từng xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan tới rạp cưới chiếm dụng lòng lề đường, làm chết người và thiệt hại về tài sản.

Nguy hiểm là vậy, quy định rõ ràng kèm theo mức xử phạt tiền, vì sao nhiều gia đình vẫn vi phạm dựng rạp cưới trên đường…(?!) Phải chăng do cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương còn lơi lỏng trong việc giám sát, xử phạt chưa mạnh tay, chưa nghiêm nên người dân vẫn đua nhau vi phạm.

Ngoài ra, việc có được một nơi để tổ chức tiệc cưới cũng là một vấn đề khá… nan giải với không ít gia đình, nhất là ở các đô thị. Đặc biệt kinh tế không dư dả nên việc đi thuê hội trường, nhà hàng để tổ chức tiệc cưới nhiều khi là một điều gần như… bất khả thi. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã “liều” dựng rạp tại một đoạn đường nào đó gần nơi mình sinh sống để tổ chức tiệc cưới. Bởi họ nghĩ bấy lâu nay nhiều người vẫn từng làm như vậy cũng không sao, cùng lắm là bị nhắc nhở chứ đã mấy ai bị phạt.

Để xóa bỏ hẳn tình trạng người dân dựng rạp trên đường để tổ chức tiệc cưới, cơ quan chức năng các địa phương cần phải thực thi pháp luật nghiêm trong việc ngăn ngừa xử phạt các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng hết sức quan trọng, bởi một khi người dân đã hiểu và nhận thức được sự nguy hiểm của việc dựng rạp cưới trên đường giao thông thì sẽ không vi phạm nữa.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp (xóm, thôn, khu phố, phường, xã…) cũng cần và nên chú trọng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ dân, nhất là các hộ dân sinh sống trong không gian chật hẹp, gặp khó khăn về kinh tế có được một nơi tổ chức tiệc cưới tại các khu vực sinh hoạt cộng đồng như hội trường nhà văn hoá thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố, sân vận động… Về lâu dài, các địa phương nên có “quy hoạch” và đầu tư xây hội trường để dành riêng cho việc phục vụ tiệc cưới, với giá thuê rẻ, trong khả năng của đại đa số các hộ dân có mức thu nhập thấp.

Theo Đời sống
back to top