Sự cố thẩm mỹ, ai chịu trách nhiệm?

(khoahocdoisong.vn) - Trước hàng loạt sự cố chết người sau phẫu thuật thẩm mỹ thời gian qua tại TPHCM, quả bóng trách nhiệm đang được đá qua đá lại giữa bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật và cơ sở thẩm mỹ cho thuê phòng mổ.
Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, nơi xảy ra hàng loạt sự cố về thẩm mỹ thời gian qua

Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, nơi xảy ra hàng loạt sự cố về thẩm mỹ thời gian qua

Bác sĩ 30%, bệnh viện 70%

BS Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TPHCM cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra các tai biến trong thẩm mỹ. Ví dụ, hai trường hợp tử vong sau khi căng da mặt, nâng ngực và ca hút mỡ bụng của phụ nữ đang mang thai tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, nguyên nhân đầu tiên là bác sĩ hành nghề không khai thác tiền sử, bệnh sử của người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Đặc biệt, nhiều cơ sở khi thực hiện thẩm mỹ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã không kiểm tra tình trạng mang thai dẫn đến việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho cả phụ nữ đang mang thai.

Bên cạnh đó, một lỗi khá phổ biến mà nhiều cơ sở thẩm mỹ mắc phải là không lập hồ sơ bệnh án hoặc lập hồ sơ quá sơ sài trong khi đây chính là cơ sở để bảo vệ mình nếu có sự cố xảy ra.

Trong khi đó, điểm yếu của các cơ sở thẩm mỹ hiện nay là khâu xử trí khi người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi xảy ra các tình huống nguy cấp, nhiều cơ sở không kích hoạt “báo động đỏ” lên tuyến trên mà tự xử trí, đến khi chuyển người bệnh lên tuyến trên thì đã quá muộn, không thể cứu được.

Liên quan đến vấn đề hợp tác chuyên môn, cho thuê phòng mổ để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, bà Nguyễn Thị Thoa cho rằng, các quy định của pháp luật không cấm hành vi này, nhưng khi xảy ra tai biến thì cơ sở thẩm mỹ là đơn vị phải chịu trách nhiệm. Lỗi cá nhân bác sĩ là 30% nhưng lỗi của bệnh viện lên đến 70%. Do đó, sự cố xảy ra ở cơ sở nào thì cơ sở đó phải chịu trách nhiệm.

Còn theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để xảy ra tai biến thẩm mỹ là sự chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ, trong đó nhấn mạnh đến sự yếu kém trong quản trị của các bệnh viện thẩm mỹ tư nhân.

Khó quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh minh họa

Khó quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh minh họa

Người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng là bệnh nhân

Theo PGS. TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, do phẫu thuật thẩm mỹ thường là những phẫu thuật nhẹ, không ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng nên bác sĩ thường chủ quan, coi nhẹ việc khai thác tiền sử, bệnh nền của người bệnh. Thời gian theo dõi bệnh nhân trước và sau phẫu thuật cũng bị lơ là, bỏ qua khiến cho tai biến thẩm mỹ không đáng có dễ xảy ra. Người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng là bệnh nhân, bác sĩ phải thực sự coi họ là người bệnh để quan tâm, chăm sóc chứ đừng coi bệnh nhân thẩm mỹ là món hàng, mặc dù thực tế hiện nay, ngoài chuyên môn y khoa, lĩnh vực thẩm mỹ đang bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế. Nếu không kiểm soát được quảng cáo thì thị trường thẩm mỹ sẽ vẫn rối loạn.

BS Lê Hành cho biết, các quy định cho phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay rất nhiều và khá đầy đủ, chỉ cần các bác sĩ thực hiện đúng theo các quy chế đó, đừng làm quá phạm vi hành nghề của mình là đủ tốt và đảm bảo an toàn.

Ông Tăng Chí Thượng cũng nhìn nhận, để xảy ra sự tai biến thẩm mỹ là sự chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ. Đây cũng chính là thách thức cho các nhà quản lý, từ phòng Y tế quận, huyện đến sở Y tế. Theo ông Thượng, những tai biến thẩm mỹ xảy ra trong thời quan qua đòi hỏi cần có những giải pháp mới trong công tác quản lý.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, thậm chí lực lượng Thanh tra Sở Y tế sẽ “đóng giả” người dân để tiếp cận các cơ sở thẩm mỹ vi phạm các quy định pháp luật.

Theo Đời sống
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top