Sốt gỏi gà trái cây: Măng cụt xanh tăng giá vẫn hết hàng

Những ngày gần đây, cơn sốt mang tên gỏi gà măng cụt xanh đang “dậy sóng” cộng đồng mạng, khiến loại trái cây này đắt giá và liên tục “cháy” hàng.

Gỏi gà măng cụt xanh là đặc sản của miền đông Nam Bộ với hương vị chua ngọt của trái măng cụt non, kết hợp thịt gà, rau thơm...

Măng cụt xanh tăng giá

Hàng năm, vào mùa hè, măng cụt được bày bán khắp các chợ, siêu thị và cửa hàng hoa quả với giá từ 45.000 đến 65.000 đồng/kg. Khi chín, quả măng cụt màu tím đen, bên trong là các múi trắng, khi ăn có vị ngọt thanh, thơm dịu.

So với nhiều loại hoa quả mùa hè, giá măng cụt ở mức trung bình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơn sốt món ăn gỏi gà măng cụt xanh khiến giá của loại quả này tăng “chóng mặt”.

Măng cụt xanh đã gọt vỏ giá 350.000 - 550.000 đồng/kg.

Măng cụt xanh đã gọt vỏ giá 350.000 - 550.000 đồng/kg.

Theo một số người kinh doanh, măng cụt xanh đang được lùng mua với giá cao hơn cả măng cụt chín, lên tới 60.000 đến 80.000 đồng/kg. Thậm chí, măng cụt xanh sau khi gọt vỏ sẽ được bán với giá 350.000 - 550.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá măng cụt xanh gọt sẵn cao là cứ 5 kg măng cụt tươi còn vỏ mới gọt được 1 kg ruột măng cụt. Chưa kể quả sâu, thối bỏ ra nên gọt vỏ rồi bán giá cao hơn. Nhiều người bán cho biết mức giá của măng cụt xanh vẫn tăng liên tục, trở nên đắt đỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Muốn mua phải đặt trước mới có hàng.

Chị Thục Quyên ở quận 3, TP HCM, chuyên bán đồ ăn online, chia sẻ, năm nay thấy món này “hot”, chị mày mò làm theo công thức trên mạng và đăng bán ở Facebook, không ngờ lại được rất nhiều người ủng hộ. Gỏi gà măng cụt nguyên con có giá từ 580.000 đến 680.000 đồng/set. Mỗi set gồm muối tiêu chanh, mắm trộn gỏi, mắm chấm gỏi, hành phi, lạc rang, rau trộn gỏi, rau thơm, lõi măng cụt gọt sẵn…

“Nguyên liệu măng cụt xanh đã gọt vỏ lấy vào hiện khá cao, giá hơn 500.000 đồng/kg, đắt gần gấp 10 lần măng cụt thường, nhưng phải đặt hàng trước chứ không có sẵn để bán”, chị Thục Quyên nói.

Chị Anh Thư (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), chủ đại lý bán măng cụt xanh, chia sẻ, mọi năm, chị chỉ bỏ sỉ hàng măng cụt chín. Năm nay, thấy măng cụt xanh “hút hàng”, chị thu gom về bán thử. Không ngờ rất nhiều người đặt mua, thậm chí không đủ hàng để bán, mặc dù giá bỏ sỉ khá cao.

Theo chị Thư, măng cụt xanh bán ra hiện nay đa phần là hàng cắt tỉa những trái chưa đạt chuẩn trên mỗi cây hoặc hàng loại 3. Thông thường, các nhà vườn sẽ cắt tỉa 1-2 kg không đạt chuẩn ở mỗi cây để dành dinh dưỡng cho những trái đạt chuẩn. Muốn mua với số lượng lớn, thương lái phải đi gom từng vườn.

“Mỗi ngày, gia đình tôi gọt được khoảng 50 kg, ngày nào cố gắng lắm mới làm được khoảng 55 kg. Hiện tại, tôi phải tuyển thêm người làm mới đáp ứng được hết nhu cầu của khách đặt mua”, chị Anh Thư nói.

Mạng xã hội ngập tràn hình ảnh bán món gỏi gà măng cụt xanh.

Mạng xã hội ngập tràn hình ảnh bán món gỏi gà măng cụt xanh.

Món ăn “hot trend” có an toàn?

Gỏi gà măng cụt đang là món “hot trend”, cộng thêm được đánh giá khá “bắt miệng”, nên không ít người muốn làm thử và thưởng thức hương vị của nó. Tuy nhiên, nhiều người cũng phân vân về sự an toàn trong việc sử dụng măng cụt xanh làm gỏi. Đặc biệt, mạng xã hội xuất hiện thông tin của một nghệ sĩ về việc măng cụt xanh kết hợp đường (mía) có thể gây ngộ độc.

Trao với báo chí về thông tin này, Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, khẳng định, măng cụt non không độc hại, có chăng chỉ là ít dinh dưỡng hơn măng cụt chín, nhưng cũng không đáng kể.

"Hiện nay, chúng ta không có nghiên cứu nào cho thấy sử dụng măng cụt vừa tới tuổi thu hoạch, nhưng chưa chín gây ra độc hại với sức khỏe. Chưa có chứng cứ khoa học nào về vấn đề này, cho nên lựa chọn măng cụt tùy theo sử dụng của chúng ta", bác sĩ Diệp thông tin.

Một chuyên gia y học cổ truyền cũng cho hay, hiện chưa có ghi chép về việc nhựa quả măng cụt kỵ với đường mía, trong y học hiện đại lại càng không. Ngay cả các nước châu Âu, họ vẫn điều chế cả quả măng cụt làm nước uống. Thông tin nhựa măng cụt kết hợp đường mía rồi gây ngộ độc là không chính xác. Nếu có gây hại phần nào, đó là do ăn quá nhiều nhựa măng cụt.

Theo các chuyên gia, măng cụt xanh có nhựa nhiều hơn, vì thế khi chế biến phải cẩn thận bằng cách ngâm nước để tránh gây dị ứng cho một số người nhạy cảm. Đồng thời, cần chú ý một số điều khi chế biến loại quả này, như: Không nên ăn trong thời gian dài; người chuẩn bị làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trong khoảng thời gian trước đó 2 tuần; đảm bảo quả măng cụt được rửa sạch sẽ, không bị nhiễm thuốc trừ sâu và chất hóa học độc hại; không nên ăn khi đói có thể khiến bạn bị đau dạ dày…

Theo Đời sống
Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

"Nhận hàng mới biết là phí tiền vì bên ngoài thì trầy xước, mùi nhựa rất khó chịu, đồng hồ bị lỗi hiển thị sai thứ, lúc giao không có pin nên không thử được,...", chị Lan chia sẻ khi mua đồng hồ led giá 21.000 đồng.
back to top