Sống chung với "thế hệ Z", phải biết dùng thương mại di động

(khoahocdoisong.vn) - Thương mại di động (M-Commerce) được dự báo là xu hướng bùng nổ của kinh doanh và tiêu dùng trong năm 2019. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn đang lúng túng, chưa đón đầu được xu thế này.

Dò dẫm lên mobile

Thế hệ Z – những người sinh sau năm 1995 - thích mua hàng trực tuyến và đang trở thành đối tượng khách hàng quan trọng của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, dù lượng người dùng di động rất lớn, nhưng thương mại di động (TMDĐ) tại Việt Nam hiện còn rất nhỏ. Nhưng xu hướng thương mại di động đang dần lớn mạnh, buộc các doanh nghiệp phải tham gia cuộc chơi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Thương mại điện tử đang dần dịch chuyển lên hình thức sử dụng trên các ứng dụng di động. Thay vì mua sắm tại các website, hay trên nền tảng truyền thống là máy tính, người tiêu dùng giờ hào hứng hơn với các ứng dụng trên điện thoại di động.

Thống kê từ các sàn thương mại điện tử lớn cho thấy, năm 2018, lượng giao dịch trên ứng dụng mobile của Sendo lên tới 80%, tại Lazada là 70%. Với Shopee, vào các dịp khuyến mãi lớn trong năm, doanh thu phát sinh qua ứng dụng di động thậm chí lên đến 95%.

Theo các chuyên gia thương mại, xu hướng super app (siêu ứng dụng) và all in one app (tất cả trong một ứng dụng) sẽ ngày càng tăng cao. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy, xu hướng dịch chuyển thương mại điện tử lên di động khiến doanh nghiệp sở hữu website năm 2018 giảm 2% so với 2017. Với nhiều tính năng, giao diện bắt mắt, các ứng dụng mua sắm được cho là đang ngày càng tăng trưởng nhanh.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho rằng các doanh nghiệp cần bám sát những xu hướng thương mại di động mới nhất, để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Nếu doanh nghiệp chịu đầu tư theo hướng thương mại di động, như làm cho trang web tương thích với thiết bị di động, thì trang web bán hàng TMĐT hoặc sàn TMĐT của họ sẽ tiếp cận được khách hàng thuận lợi hơn, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không chịu đầu tư cho xu hướng thương mại di động, tích cực gia tăng tỷ lệ chuyển đổi trên di động… sẽ “làm rơi rớt” một số lượng không nhỏ khách hàng tiềm năng – những người có thói quen truy cập Internet bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch Mobi Online Group cho biết, mua hàng trên app của điện thoại tiện hơn trên máy tính rất nhiều, vì không phải đăng nhập lại và check in địa chỉ dễ dàng. Ngay từ lúc đơn hàng được đặt cho tới khi giao hàng, tình trạng đến đâu, như thế nào được thông báo rất kịp thời tạo ra sự thoải mái, yên tâm và tin tưởng cho khách hàng.

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2019 của VECOM, trong số các doanh nghiệp có trang web phiên bản di động (mobile web), hoặc ứng dụng bán hàng (mobile apps), có 43% số doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, 31% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa, và 45% số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Có tới 20% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra chưa tiến hành quảng trực tuyến.

Đầu tư là bắt buộc

Lý giải việc nhiều doanh nghiệp còn e dè, ông Bùi Sỹ Nguyên, CEO Nền tảng 3D cho rằng, điểm bất lợi đầu tiên của thương mại di động là bắt người dùng phải cài đặt ứng dụng. Ngoài ra, để có 1 người dùng, doanh nghiệp phải bỏ trung bình 6USD/người tải và ứng dụng. Mỗi loại di động lại đòi hỏi một dao diện riêng. Bên cạnh đó, TMDĐ không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần phát triển các app bên cạnh website là… xong. Thực tế, cần rất nhiều chiêu thức để khai thác tối đa tiềm năng mua sắm của khách hàng trên nền tảng di động.

Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam nhận định, điện thoại thông minh ngày càng có màn hình lớn hơn, chế độ bảo mật tốt hơn, các trang mạng xã hội cũng đã bổ sung các nút “thích”, “mua” thu hút khách hàng mỗi khi họ lướt Internet. Điện thoại trở thành công cụ cho mọi hoạt động tiêu dùng, nhanh chóng hơn máy tính cá nhân. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không nên do dự, mà cần nhanh chóng tham gia cuộc chơi, nhất là khi đối thủ cạnh tranh nước ngoài đang sử dụng ứng dụng di động để vào thị trường, thu hút khách hàng.

Hiện, hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay tìm cách đa dạng kênh bán hàng và mở rộng tiếp cận người dùng. Và xây dựng ứng dụng (app) tốt, lên đơn hàng, quản lý, tiếp thị để khách hàng nhận biết, tải app về mua hàng đó là vướng mắc của đa số các doanh nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mobile app để tăng doanh số, ông Hoàng Xuân - Giám đốc Cocolive cho biết, các DN nhỏ thiếu kinh phí cần biết các "mẹo" để tăng độ phủ sóng nhưng tiết kiệm được chi phí.

DN cũng có thể chuyển đổi các website sẵn có sang app, chú trọng các tính năng phù hợp với lớp khách hàng của mình. Dùng công cụ hỗ trợ như SEO (tối ưu hóa tìm kiếm) từ khóa ít nhất trong 2 - 3 tháng, lấy Google làm chuẩn từ khóa để có thể đưa thông tin hiển thị khi khách hàng tìm kiếm. Hoặc khi đưa hàng lên các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo... luôn kèm theo đường dẫn giới thiệu, khuyến khích tải app trải nghiệm để tạo thói quen...

Tuy nhiên, không thể kỳ vọng ngay lập tức có nhiều đơn hàng, mà cần thời gian nhất định để tác dụng có thể phát huy. Giá trị lớn nhất của kênh mobile là chăm sóc khách hàng mọi lúc mọi nơi, dễ dàng tạo hiệu ứng đám đông. Qua điện thoại, doanh nghệp có thể chủ động kênh phân phối và tư vấn, đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí như in ấn tờ rơi, poster hay catalogue.

Theo các chuyên gia thương mại, kênh di động cần được sử dụng như một công cụ xây dựng khách hàng trung thành với các hoạt động như cung cấp thẻ và quà tặng, bổ sung các sự kiện trực tiếp, cung cấp giá trị gia tăng, tích điểm, đổi quà.v.v. Thế mạnh của thiết bị di động là độ phủ, vị trí, kết nối và công nghệ tinh vi được tích hợp. Doanh nghiệp có thể kể một câu chuyện trực quan sinh động đến khách hàng bằng app.

Nói cách khác, TMDĐ chính là công cụ mang đến nhiều cơ hội cho tiếp thị nâng cao trải nghiệm thương hiệu, với nguồn chi phí đầu tư hợp lý nhưng lại có thể đạt được phạm vi tiếp cận khổng lồ mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng không nên bỏ qua.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top