Thương mại điện tử và bài toán thay đổi của bán lẻ truyền thống

(khoahocdoisong.vn) - Sự phát triển của bán hàng trực tuyến đang tạo sức ép lên các hãng bán lẻ truyền thống. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi mô hình bán lẻ đang là việc cần làm ngay.

Thay đổi, hoặc bị đào thải

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2019 cho biết, tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt trên 30%. Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới được dự báo sẽ “nuốt chửng” bán lẻ truyền thống. Theo các chuyên gia, với quy mô gần 8 tỷ USD năm 2018, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Anh, Mỹ, Nhật và Đức về mức độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT). Tăng trưởng bùng nổ này đang tạo sức ép làm thay đổi các mô hình bán lẻ truyền thống. Chỉ trong 2 năm, Parkson đã phải đóng cửa 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Theo Business Insider (Mỹ) mỗi sáng thức dậy, người Mỹ có khoảng 10 cửa hàng bán lẻ truyền thống đóng cửa, mỗi tháng có gần 3 thương hiệu bán lẻ truyền thống phá sản. Họ phá sản không phải vì dịch vụ kém hay hàng hóa không đảm bảo, mà do đối thủ của họ - các hãng bán lẻ trực tuyến - đã tiến quá xa về dịch vụ làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Năm 2018, nước Mỹ ghi nhận con số kỷ lục hơn 3.800 cửa hàng bán lẻ đóng cửa.

Các công ty vận tải Mỹ cũng chịu sự áp lực lớn, khi các hãng bán lẻ trực tuyến như Amazon không chỉ sở hữu máy bay, xe tải để chuyển hàng hóa, mà còn có hệ thống cá nhân mang hàng hóa tới tận cửa khách hàng. Với tiềm lực tài chính, các hãng bán lẻ trực tuyến còn thâu tóm nhiều thương hiệu để quyết định giá thành sản phẩm.

Thương vụ Amazon thâu tóm hãng dược phẩm trực tuyến PillPack khiến cả thị trường dược phẩm Mỹ hoang mang. Mà theo đó, bệnh nhân thậm chí cần ngồi nhà là có thuốc mang tới tận giường. Theo USA Today, 52% sản phẩm sách tiêu thụ ở Mỹ được bán qua Amazon. 43% giao dịch trực tuyến cũng qua Amazon. Hãng này cũng đang sở hữu 45% thị phần của thị trường điện toán đám mây. Nghĩa là Amazon, không chỉ là tập đoàn bán lẻ mà là công ty sở hữu cơ sở hạ tầng trực tuyến lớn nhất. Các chuyên gia kinh tế Mỹ đưa ra dự báo, sự biến mất của ngành bán lẻ truyền thống chỉ là vấn đề thời gian.

Biểu đồ so sánh tăng trưởng kênh online với offline trên toàn thị trường châu Á Thái Bình Dương của CBRE cho thấy, từ 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng mô hình bán lẻ của kênh online gấp 8-10 lần kênh offline. Cũng theo nghiên cứu của CBRE, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong 5 năm tới sẽ tăng chậm. Năm 2018, tại TP HCM, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực không phải trung tâm giảm 3%, mặt bằng trống ở các khu trung tâm cũng tăng 3%.

Thay vì thuê mặt bằng, nhiều người chuyển sang bán hàng online. Áp lực thay đổi ngành bán lẻ đang diễn ra nhanh chóng và khốc liệt tới mức nếu không theo kịp thời cuộc thì sẽ bị đào thải. Chỉ trong 2 năm, Parkson phải đóng cửa 5 trung tâm thương mại do sự đơn điệu, tập trung vào một số đối tượng trong khi nhu cầu trải nghiệm của khách hàng ngày một tăng.

Đổi mới ngay: Nhưng theo hướng nào?

Theo các chuyên gia kinh tế, thói quen tiêu dùng của thị trường châu Á Thái Bình Dương khác với Mỹ và những quốc gia khác. Vì vậy, sự biến mất của bán lẻ truyền thống là khó xảy ra. Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TPHCM cho rằng, Việt Nam được ghi nhận vẫn còn nhiều tiềm năng cho ngành bán lẻ để phát triển.

Cụ thể, so với các nước trong khu vực, diện tích bán lẻ hiện đại tại Việt Nam ở mức thấp, mật độ diện tích bán lẻ trên đầu người tại thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM lần lượt chỉ ở mức 0,17 và 0,13m2/người. Trong khi đó tại các thành phố như Jakarta (Indonesia) là 0,44, Singapore 0,75 và Bangkok (Thái Lan) 0,89. Savills vẫn ghi nhận công suất cho thuê của thị trường bán lẻ đạt 97% tại Hà Nội và 93% tại TPHCM vào thời điểm quý 3/2018.

Dù vậy, chuyên gia của Savill nhận xét, người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi nhanh chóng về hành vi tiêu dùng. Đây là thách thức lớn với thị trường bán lẻ. Khách hàng đang dần được công nghệ hoá với thương mại điện tử, smartphones, mạng xã hội hay những tiện ích công nghệ khác.

Điều này buộc các nhà bán lẻ cần phải thấu hiểu và nắm bắt được xu hướng để đưa ra ý tưởng phát triển phù hợp. Một số xu hướng phát triển mặt bằng bán lẻ mà các chủ đầu tư có thể lưu ý bao gồm: sự xuất hiện và mở rộng của các tiện ích giải trí trong không gian bán lẻ; tích hợp thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống; các mô hình lai ghép mặt bằng bán lẻ và co-working (làm việc chung)...

Theo CBRE, cửa hàng bán lẻ hiện hữu vẫn sẽ là điểm mua sắm chính của người tiêu dùng Đông Nam Á trong 5 - 10 năm tới, và chiếm ít nhất hơn 90% tổng giá trị doanh số bán hàng. Tuy nhiên, các chủ trung tâm thương mại sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn để biến mỗi lần đến trung tâm mua sắm thành một trải nghiệm đáng nhớ. Để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ tương lai sẽ phải tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.

Với quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là miếng bánh lớn với kênh bán lẻ trực tuyến và truyền thống. Lời giải cho sức ép của thương mại điện tử lên bán lẻ truyền thống là ứng dụng công nghệ trực tuyến online, kết hợp xu hướng bán hàng đa kênh.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế, để thực hiện được chuyển đổi mô hình bán lẻ không hề dễ dàng. Sức ép chuyển đổi đối với những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trên thế giới cũng là một thách thức không nhỏ. Chuyển đổi mô hình bán lẻ hứa hẹn sẽ lập tức đem tới thành công, nhưng đúng là việc cần thực hiện, và là cần thực ngay, từ bây giờ.

Nghiên cứu của CBRE cũng chỉ ra rằng, 90% khách hàng sẽ mua hàng nhiều hơn sau khi đến cửa hàng offline để nhận hàng mua online. Do vậy, tương lai của bán lẻ không phải là lựa chọn của online hay offline, hiện đại hay truyền thống mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các kênh để gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top