Theo trang Cleveland Clinic, sỏi thận được hình thành từ các chất trong nước tiểu. Đây thường là kết quả của việc không uống đủ nước. Các chất tạo sỏi như canxi, oxalat, axit uric, phốt phát, cystine, xanshine,...
Ảnh minh họa: HH.
Sỏi thận nhỏ có thể không gây đau hoặc các triệu chứng khác. Những “viên đá im lặng” này thoát ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu.
Tuy nhiên, khi nó trở lên lớn hơn, bạn có thể gặp những triệu chứng như:
- Cảm thấy đau ở lưng dưới hoặc bên hông cơ thể. Cơn đau này có thể bắt đầu âm ỉ, đến rồi đi. Nó cũng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến việc phải đi cấp cứu.
- Buồn nôn và/hoặc nôn kèm cơn đau
- Máu trong nước tiểu
- Cảm thấy đau khi đi tiểu
- Không thể đi tiểu được.
- Cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc có màu đục.
Nếu sỏi thận không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, có thể gây ra những biến chứng khó lường như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, ứ nước, ứ mủ thận, giãn đài bể thận, áp xe thận,...Do vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Phòng ngừa sỏi thận thế nào?
Trang Cleveland Clinic gợi ý cách giảm nguy cơ mắc sỏi thận, bao gồm:
- Uống nước: Uống đủ nước mỗi ngày, giúp bạn đi tiểu thường xuyên loại bỏ sự tích tụ các chất gây sỏi thận. Nếu bạn đổ mồ hôi nhiều, nên uống nước nhiều hơn nữa.
- Hạn chế muối: Ăn ít muối hơn. Bạn có thể nhờ sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
- Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm về mức cân nặng lý tưởng.
Nếu bạn bị sỏi canxi oxalat, bạn nên có chế độ ăn nhiều canxi và ít oxalat hơn. Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa bò, sữa chua, phô mai, bông cải xanh, cải xoăn, nước ép bổ sung canxi, đậu khô, cá hồi và ngũ cốc bổ sung canxi.
Một số thực phẩm chứa nhiều oxalat mà bạn nên giảm chúng trong chế độ ăn uống như rau chân vịt, dâu tây, trà, các loại hạt và bơ hạt, cám lúa mì...
Điều quan trọng là bạn phải uống đủ nước để làm loãng các chất trong nước tiểu.