Sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên 4.0: Từ độc quyền sang cạnh tranh​​​​​​​

(khoahocdoisong.vn) - Sở hữu trí tuệ trong thời đại CMCN 4.0 đóng vai trò như là công cụ then chốt để đạt lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và thể hiện năng lực công nghệ của công ty.

Tài sản quan trọng nhất

Sở hữu trí tuệ (SHTT) được hiểu là một quyền hợp pháp và là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp, gắn với hoạt động sáng tạo của con người và tập thể.

Với các doanh nghiệp, quyền SHTT được sử dụng để bảo vệ các bằng sáng chế, nhãn hiệu, bí mật thương mại… Chúng là những tài sản vô hình, nhưng lại là cơ sở then chốt để tạo ra tài sản hữu hình cho doanh nghiệp.

Trong thời đại dần chuyển sang nền sản xuất tri thức như hiện nay, cơ cấu giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ ngày càng có tỷ trọng cao hơn trong doanh nghiệp. Trên thế giới, các tập đoàn lớn, như Google, Apple, Uber, Facebook, Microsoft đều là những doanh nghiệp có nhiều tài sản SHTT. Ở bình diện rộng hơn, trong thực tế SHTT đã trở thành một trong những công cụ then chốt nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức SHTT thế giới đã đưa ra những con số tính toán về giá trị của “vốn vô hình” trong chuỗi giá trị toàn cầu, với kết quả cho biết, có tới gần 1/3 giá trị sản phẩm chế tạo được bán ra trên toàn cầu thông qua việc bảo hộ SHTT, thương hiệu, công nghệ và thiết kế.

SHTT ngày càng đóng vai trò cốt yếu đối với doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu tiến hành việc đăng ký bảo hộ SHTT để bảo vệ được tài sản - nhiều khi là tài sản lớn, có giá trị lâu dài - giữ vững được uy tín vị thế trên thị trường, đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ bảo đảm việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền này. Mặt khác, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, hiệu quả và lành mạnh.

Chẳng hạn, tập đoàn MITSUBISHI của Nhật Bản đã chủ động xây dựng chiến lược toàn cầu hóa về SHTT và đạt được mức tăng trưởng mạnh nhờ SHTT. Hiện số lượng bằng sáng chế MITSUBISHI nắm giữ tính đến năm 2018 là 2.812 bằng, độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 127.

Trong kỷ nguyên 4.0, với việc ứng dụng internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phần mềm, các mô hình kinh doanh mới… việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, vì nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Tại Việt Nam, tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức đang gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 – 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Nhưng thiếu đánh giá tài sản vô hình

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dường như các doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo hộ quyền SHTT.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, mỗi năm Cục nhận được khoảng 3.000 – 4.000 đơn đăng kí sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, số đơn đăng kí của doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là của doanh nghiệp nước ngoài. Chưa hết, trong số 10% đơn đăng kí đó, số đơn đăng ký thành công của người Việt chỉ chiếm 10 – 15%, trong khi của doanh nghiệp (DN) nước ngoài, tỷ lệ này là 50%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đơn mô tả, đăng ký SHTT của doanh nghiệp Việt Nam chưa hoàn thiện và khá sơ sài, trái hẳn với những bản mô tả rất chi tiết và hoàn chỉnh, thậm chí đã được các văn phòng luật sư chỉnh sửa, của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đáng chú ý, hầu hết DN Việt Nam chỉ chú trọng vào nhãn hiệu mà chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo vệ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Cụ thể, tỉ lệ đăng ký nhãn hiệu chiếm khoảng 70%, đăng ký kiểu dáng công nghiệp khoảng 50%, còn đăng ký sáng chế chỉ trên dưới 10%.

Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều hàng hóa trong nước có uy tín bị làm giả, làm nhái, khiến nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng, thậm chí phải trả giá rất đắt vì mất thương hiệu, nhãn hiệu.

Điển hình là vụ việc thương hiệu cà phê Trung Nguyên bị mất nhãn hiệu tại Mỹ, hay các sản phẩm Phở Việt nhưng do Thái Lan sản xuất đang bán chạy tại Mỹ, nước mắm ghi bằng chữ Việt nhưng sản xuất tại Thái Lan tràn ngập siêu thị châu Âu…

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp Việt mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề bảo hộ tài sản SHTT.

Trong khi đó, SHTT giúp các startup nâng cao giá trị của doanh nghiệp, thu hút và tạo lòng tin với nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Mặt khác, khi các ý tưởng, công nghệ của startup được cấp bằng sáng chế, đồng nghĩa với việc họ nắm trong tay độc quyền về ý tưởng, công nghệ đó, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh thương mại trên thị trường, tạo cơ hội giúp cho công ty khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh với các ‘ông lớn’ trong ngành.

Lãnh đạo Cục sở hữu trí tuệ thừa nhận, Việt Nam tuy có lịch sử 35 năm phát triển SHTT nhưng khung pháp lý cho SHTT vẫn chưa đến được với tất cả doanh nghiệp, một phần do cách làm chưa mang tính thị trường cao.

Ngoài ra còn do Luật SHTT đã được ban hành cách đây 15 năm, có những quy định trở nên lỗi thời, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng về nhu cầu của các doanh nghiệp.

Chưa kể, việc tốn quá nhiều thời gian để xét duyệt cấp bảo hộ thương hiệu cũng đang là một rào cản đối với doanh nghiệp. Ông Đoàn Thanh Hòa, đại diện Công ty Karofi Việt Nam chia sẻ, Karofi luôn tự cải tiến sản phẩm 1 năm 2 lần. Các sản phẩm do Karofi sáng chế, khi mang các sản phẩm này đi đăng kí thì phải đợi đến 2 năm mới nhận được bằng. Trong khi đó, 2 - 3 tháng sau, ngoài thị trường đã có các sản phẩm “nhái” sản phẩm của Karofi.

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Mới đây, tại sự kiện IFA 2024, Bluetooth Special Interest Group đã tạo ra dấu ấn riêng khi giới thiệu kết nối Bluetooth 6.0- một tiêu chuẩn mới giúp thay đổi thiết bị giao tiếp.
back to top