Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh… song còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
Bà Đỗ Thị Hạnh, Cục SHTT, Bộ KH&CN cho biết, mục tiêu của dự thảo luật về quyền tác giả và quyền liên quan là: Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành. Về quyền sở hữu công nghiệp, dự thảo hướng đến mục tiêu bảo đảm điều kiện cho việc khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư thông qua các quy định cụ thể về quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Về quyền đối với giống cây trồng, dự thảo đặt mục tiêu đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa quyền lợi của chủ thể quyền và của xã hội thông qua việc hợp lý hóa cơ chế bảo hộ quyền đối với giống cây trồng…
Theo ý kiến của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, trong Tờ trình cần giải thích lý do cấp bách như thế nào mà trong một năm (2019) phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT 2 lần? Vì tháng 6/2019 Quốc hội đã phê duyệt luật sửa đổi bổ sung (Luật số 42/2019/QH14 của Quốc hội: “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT”, trong đó, từ Điều 2 có quy định về những sửa đổi về SHTT), đặc biệt là khi Luật Sửa đổi, bổ sung của năm 2019 còn chưa đến ngày có hiệu lực?
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật phải được trình Chính phủ vào tháng 10/2019 để Chính phủ lập đề nghị về Chương trình xây dựng Luật Sửa đổi Luật SHTT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 3/2020. Nếu được đồng ý, Dự án Luật phải được hoàn thiện trong năm 2020 để trình Chính phủ đầu năm 2021, sau đó trình Quốc hội thông qua năm 2021.