Singapore tăng ba bậc, lên vị trí thứ ba trong bảng Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), công bố hai lần/năm, đánh giá 119 thành phố trên khắp thế giới.
Hong Kong tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính thế giới, sau Singapore, New York (Mỹ) và London (Anh).
Trong khi đó, San Francisco (Mỹ) tăng 2 bậc để lọt vào top 5 trong Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu.
Trong danh sách này, New York và London duy trì vị trí thứ nhất và thứ nhì.
Singapore dự kiến đón hơn 4 triệu du khách vào năm 2022. Ảnh: Ore Huiying. |
20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới:
1. New York, Mỹ
2. London, Vương quốc Anh
3. Singapore
4. Hong Kong (Trung Quốc)
5. San Francisco, Mỹ
6. Thượng Hải, Trung Quốc
7. Los Angeles, Mỹ
8. Bắc Kinh, Trung Quốc
9. Thâm Quyến, Trung Quốc
10. Paris, Pháp
11. Seoul, Hàn Quốc
12. Chicago, Mỹ
13. Sydney, Australia
14. Boston, Mỹ
15. Washington DC, Mỹ
16. Tokyo, Nhật Bản
17. Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)
18. Frankfurt, Đức
19. Amsterdam, Hà Lan
20. Geneva, Thụy Sĩ
Theo Đài Channel News Asia, việc Hong Kong áp dụng một phiên bản của chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc trong suốt đại dịch COVID-19 là lý do làm suy yếu kinh tế của đặc khu này, và làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám ở đây khi các trung tâm kinh doanh khác mở cửa trở lại.
Hiện Hong Kong vẫn yêu cầu cách ly 3 ngày tại khách sạn với tất cả các du khách quốc tế đến đặc khu, trong khi biên giới với Trung Quốc đại lục hầu như vẫn đóng cửa.
Ngược lại, Singapore đã xem COVID-19 là bệnh đặc hữu và xác định chung sống với COVID-19. Hiện Singapore đã mở cửa không hạn chế.
Trong những tháng tới, Singapore sẽ tổ chức một loạt hội nghị tài chính và kinh doanh lớn. Tuần tới họ sẽ tổ chức cuộc đua trong khuôn khổ giải Công thức 1 ban đêm.
Loạt sự kiện đáng chú ý gồm Hội nghị cấp cao Châu Á của Viện Milken, Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes và Grand Prix Singapore sẽ giúp nâng cao vị thế của Singapore như một điểm đến du lịch. Dự kiến khoảng 4 triệu du khách sẽ đến Singapore trong năm nay.
Các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến của Trung Quốc đều duy trì vị trí trong top 10 của Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu.
Một số điểm nổi bật trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu lần này là: Paris (Pháp) trở lại top 10, trong khi Tokyo (Nhật Bản) tụt xuống vị trí thứ 16; Sydney (Australia) tăng 10 bậc lên vị trí thứ 13; Dubai và Abu Dhabi (UAE) dẫn đầu ở Trung Đông khi lần lượt xếp ở vị trí thứ 17 và 32 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Các trung tâm tài chính của Nga chịu ảnh hưởng của chiến sự Ukraina, trong đó Mátxcơva giảm 22 bậc xuống vị trí thứ 73 và St Petersburg giảm 17 bậc xuống vị trí 114 trong bảng xếp hạng Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu.
Barbados, Tây An (Trung Quốc) và Vũ Hán (Trung Quốc) là ba địa điểm cuối cùng trong danh sách.
Chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu được tổ chức nghiên cứu Z/Yen Partners và Viện Phát triển Trung Quốc cùng thực hiện. Chỉ số này xếp hạng 119 trung tâm tài chính và sử dụng dữ liệu thu thập từ hàng nghìn chuyên gia dịch vụ tài chính qua câu hỏi trực tuyến.