Đưa quạt sạc vào trong bộ đồ bảo hộ
Việc mang trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm. Để tránh được lây nhiễm, trang phục may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở. Trong thời tiết khắc nghiệt bởi nắng nóng gay gắt mùa hè, những người phải mặc đồ bảo hộ càng khó chịu. Ngoài ra, sự bất tiện khi vệ sinh, ăn uống... cũng làm cho họ rất nhanh bị mất sức. Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho thấy, bên trong trang phục bảo hộ phòng Covid-19 cao hơn từ 0,5 - 4,5 độ so với nhiệt độ môi trường, cơ thể người mặc đặc biệt nóng và khó chịu.
TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ngày 1/6, cán bộ của Viện đã đến Bắc Giang để thử nghiệm phương án lắp thiết bị làm mát trong các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế vùng dịch. Thiết bị làm mát này được thiết kế với mức tối giản để không tác động đến tính năng, kết cấu của bộ trang phục bảo hộ. Trang phục được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong để làm mát. Để có giải pháp này, các chuyên gia đã nghiên cứu các loại quạt và chọn ra mẫu phù hợp, sử dụng 2 quạt gắn vào phía trong bộ đồ bảo hộ đủ để làm mát toàn bộ cơ thể. Quạt được hỗ trợ bởi cục pin có thể chạy được ít nhất 4 - 10 tiếng trong cả ca làm việc, giúp các nhân viên y tế bớt nóng, bức bí. Thậm chí loại quạt này có thể tăng giảm tốc độ gió phù hợp với thời tiết.
TS Doãn Ngọc Hải cho biết thêm, chiếc quạt này được buộc vào phía trong của bộ trang phục nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chức năng bảo vệ. Sau khi thử nghiệm, những người mặc trang phục bảo hộ đều cho biết họ có cảm giác mát và dễ chịu hơn rất nhiều. Đây là thiết bị dân dụng tương tự như máy lọc không khí trên thị trường, đơn vị sản xuất chỉ cần công bố tiêu chuẩn cơ sở và kết quả đầu ra. Sau khi thử nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất Viện hỗ trợ 500 thiết bị làm mát. Tuy nhiên, hiện tại Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm.
Kiot di động lấy mẫu xét nghiệm
Theo TS Doãn Ngọc Hải, khó khăn hiện nay là kinh phí để đầu tư sản xuất số lượng lớn quần áo làm mát chống dịch. Nhóm nghiên cứu hy vọng có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn cho các thiết bị làm mát toàn thân, trang bị cho những người buộc phải mang bộ bảo hộ chống dịch, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng.
Ngoài giải pháp làm mát cho bộ quần áo bảo hộ, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường cũng đang thiết kế mẫu kiot di động để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm. Thiết bị này giúp nhân viên nhân viên y tế có thể đứng bên trong kiot lấy mẫu, vừa được làm mát, không phải mặc bảo hộ và đảm bảo giữ được khoảng cách. Nguyên tắc của sản phẩm này là có thể di động để đặt ở bất kỳ chỗ nào, di chuyển đến nhiều nơi phù hợp với việc đi lấy mẫu ở bên ngoài.
Nhóm nghiên cứu thiết kế kiot lấy mẫu theo hình dạng có bánh xe để dễ dàng di chuyển và làm bằng hình thức lắp ráp để thuận tiện trong việc tháo lắp dễ dàng, với thời gian chỉ mất khoảng 30 phút. Dự kiến khoảng 2 ngày nữa, thiết kế này sẽ hoàn thiện để nhanh chóng đưa vào ứng dụng.
Cũng theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, hiện nay, nhân viên y tế đang mặc là quần áo blouse bình thường, không phải vải hút nhiệt, không thấm mồ hôi nên Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu chất vải áo blouse, thấm mồ hôi, giúp giảm sức nóng cho các y bác sĩ. Ngoài ra, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường cũng có thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt, hỗ trợ nhân viên y tế chống dịch. Với người làm trực tiếp tại tâm dịch không nên làm việc trong điều kiện phải mang bảo hộ kín liên tục nhiều giờ cần được thay ca sau 2 - 3 tiếng, tránh để kiệt sức.