Sai phạm của Bộ Công Thương về điện mặt trời: Có dấu hiệu lợi ích nhóm?

TTCP vừa công bố KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nhiều vi phạm của Bộ Công Thương được chỉ ra.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống về vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh, không loại trừ có lợi ích nào trong đó dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm và cần xử lý nghiêm với tinh thần “không có vùng cấm, bất kể người đó là ai”.

Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, xử lý nghiêm

Kết luận thanh tra về Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ rõ những sai phạm của Bộ Công Thương, các tập đoàn, địa phương và đơn vị liên quan, cho thấy điều gì thưa đại biểu?

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ mới đây được công bố cho thấy nhiều sai phạm của Bộ Công Thương cùng các tập đoàn, địa phương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tôi cho rằng, đây là những sai phạm rất lớn, thậm chí không loại trừ có lợi ích nào trong đó dẫn đến vi phạm, khuyết điểm.

Trong những sai phạm được nêu ra, không chỉ có việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Đáng chú ý, Bộ Công Thương có vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm không đúng quy định, EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng. Nếu tiếp tục hòa vào lưới điện mà vẫn giữ giá ưu đãi đó đến 20 năm, thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp Nhà nước rất lớn.

Thời điểm đó, rất khuyến khích sử dụng điện mặt trời, điện gió để thân thiện với môi trường, đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách pháp luật, lợi dụng chính sách của Nhà nước làm thiệt hại cho ngân sách, sai phạm này rất lớn, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan.

Ngoài cơ quan điều tra, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận thanh tra tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan những vi phạm, ông nhìn nhận việc này thế nào?

Theo tôi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng rất kịp thời vào cuộc để xử lý đối với những người này. Trước mắt, phát hiện sai phạm thế nào, xử lý thế đó, sau này phát hiện ở mức cao hơn sẽ có hình thức xử lý cao hơn. Đây là vấn đề rất quan trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng rất cương quyết xử lý cán bộ sai phạm với tinh thần không có vùng cấm, dù những người đó có thể đang giữ chức vụ cao.

Đây cũng là bài học nêu gương cho người lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc được giao chức vụ, quyền hạn mà làm tham mưu, đề xuất, phê duyệt không đúng theo quy định của pháp luật. Cần phải xử lý để nêu gương, lấy lại niềm tin của người dân.

Cần thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị nhiều biện pháp xử lý đối với Bộ Công Thương cùng 3 tập đoàn, 8 địa phương. Cùng việc xử lý nghiêm sai phạm theo quy định, không để thất thoát tài sản Nhà nước, Bộ Công Thương và các địa phương cần sớm thực hiện những giải pháp Thanh tra Chính phủ chỉ ra?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây có văn bản chỉ đạo liên quan kết luận thanh tra về Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, không để thất thoát tài sản của Nhà nước.

Các Bộ Công Thương và bộ, ngành, cơ quan liên quan, UBND tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện nội dung kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Theo tôi, Bộ Công Thương cần sớm thực hiện nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Đối với 8 tỉnh mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, Ban Thường vụ, Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh cần họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý cán bộ sai phạm và thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Các địa phương cần gấp rút vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin của người dân. Đồng thời, việc xử lý cũng cần hướng đến làm môi trường điện tái tạo minh bạch, đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều nơi trên cả nước thiếu điện như thời gian qua!

Xin cảm ơn Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trao đổi trên!

Chuyển Bộ Công an 9 vụ việc để xem xét, điều tra

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với 9 vụ việc, gồm cả việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.

Trong đó, phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội…, thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền

Tại kỳ họp thứ 34, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và cá nhân ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng cùng nhiều cá nhân khác.

Những vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Tính toán, cân nhắc không xử lý doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, cho rằng, việc xử lý người phê duyệt dự án không có căn cứ, trái quy định của pháp luật thì đương nhiên, nhưng mong rằng cơ quan chức năng sẽ tính toán, cân nhắc không xử lý các doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án như vậy.

Việc doanh nghiệp được cơ quan chức năng phê duyệt dự án hôm nay, nếu ngày mai phát hiện cán bộ ký quyết định đó làm sai thì quyền lợi của doanh nghiệp không được bảo đảm, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo VietnamDaily
back to top