Chăm chứ không phải trồng
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người được mệnh danh là “bà chúa nấm Việt Nam” cho biết, tự trồng nấm cần được hiểu là phải làm hoàn toàn theo kiểu từ A tới Z, nghĩa là tự chuẩn bị nguyên vật liệu làm giá thể trồng, tự phối trộn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, cấy chủng nấm… Các công đoạn này vô cùng phức tạp, người dân không có kiến thức khó có thể làm được.
Thực tế, cách trồng nấm tại nhà mà một số người đang áp dụng hiện nay là mua các bịch nấm bán sẵn (đã được cấy phôi giống) để chăm sóc và thu hoạch. Các bịch nấm này có giá từ khoảng 10 – 20.000 đồng/bịch tùy vào từng chủng loại nấm. Loại phổ biến nhất là nấm sò, một loài nấm dễ trồng và khá phố biến.
Sau khi mua về, người dân chỉ cần rạch bịch nấm theo hướng dẫn, đặt ở nơi thoáng, ẩm, tưới nước đều đặn hàng ngày. Đấy thực chất không phải gọi là trồng mà gọi là chăm sóc. Tuy nhiên, việc chăm sóc để nấm phát triển đảm bảo chất lượng tươi ngon cũng không phải là điều đơn giản, thậm chí nếu chăm không đúng cách, không những nấm thu hoạch kém chất lượng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe đường hô hấp của người tiếp xúc.
Trồng và chăm nấm tại nhà phải đảm bảo đúng kỹ thuật để tránh nhiễm phải bào tử nấm.
Cẩn thận ho, sốt
PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm là ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Có những loại nấm chỉ thích hợp phát triển trong môi trường nhiệt độ cao (ví dụ như nấm rơm thích hợp phát triển ở nhiệt độ 32 – 34ºC), nhưng có loại nấm chỉ thích hợp ở nhiệt độ thấp (nấm kim châm thích hợp phát triển ở nhiệt độ 8 – 12ºC). Trong môi trường tự nhiên, chúng ta không thể can thiệp được nhiệt độ, nên tốt nhất chọn giống nấm để trồng phù hợp theo nhiệt độ mùa.
Tuy nhiên cần chú ý khâu ánh sáng và độ ẩm. Với mỗi loại nấm, chủng nấm yêu cầu về độ ẩm và ánh sáng khác nhau, thông thường độ ẩm càng cao càng tốt (trên 85%). Chính vì thế, vào những ngày độ ẩm thấp, nấm khó phát triển là điều dễ hiểu.
Tốt nhất nên để nấm ở nơi thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên, nhưng cần tránh gió lùa, tránh nắng chiếu trực tiếp. Nhiều gia đình mắc sai lầm khi để treo bịch nấm ở ban công, cửa sổ, nơi có gió lùa, ánh nắng trực tiếp, hoặc để nấm trong nhà vệ sinh, nơi tối tăm… ảnh hưởng đến năng suất và sự phát triển của nấm.
Trong sử dụng nấm, người dân cần nhớ rằng, nấm khi đã bị cắt khỏi gốc thì sẽ bị phân hủy rất nhanh (ví dụ như nấm rơm sau hai tiếng là đã bị ôi thiu và không thể bảo quản tủ lạnh như nhiều người vẫn làm). Vì vậy, sau thu hái nên sử dụng ngay khi nấm tươi, ngon, sờ thấy thân nấm cứng, giòn. Nếu sờ thấy nấm bị mềm, nhũn, thậm chí là nhớt, thì nên bỏ đi vì khi đó nấm đã hỏng, bị các vi khuẩn, vi sinh vật tấn công dễ gây ra các độc tố, ăn vào có hại cho sức khoẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, một khâu quan trọng mà nhiều người dân không để ý đấy là thời gian thu hái nấm. Rất nhiều người thu hái nấm theo kiểu ngẫu hứng. Trong khi thực tế, nếu để nấm quá già, nấm ăn không chỉ dai, nguy hiểm hơn khi già nấm sẽ có bào tử nấm.
“Trong môi trường nuôi trồng, nếu để nấm ra bào tử, bào tử của nấm sò bay nhiều đến mức tạo ra “làn khói trắng”. Khi ấy, nếu hít phải bào tử nấm sò, nếu không cẩn thận có thể bị kích thích đường hô hấp, gây ho, thậm chí bị sốt”, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho hay.
Vì vậy, tuân thủ thời gian thu hái là điều mà người dân cần chú ý. Mỗi loại nấm có thời gian thu hái khác nhau, đấy là chưa kể lúc mua,người dân thường không chú ý tìm hiểu thông tin bịch nấm đang phát triển ở giai đoạn nào nên rất khó có thể đưa ra thời gian thu hái chung cho mọi loại nấm.
Khi mua bịch nấm cần tìm hiểu kỹ các thông tin về giống/chủng nấm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian thu hái để đảm bảo chăm sóc và thu hái đúng. Cần thu hái trước khi nấm phát tán bào tử. Ví dụ, với nấm sò, nên thu hái nấm khi đường kính mũ khoảng 3 – 4cm, tâm nấm còn trũng chưa lồi lên… Sau vài lần thu hái cần quan sát bịch nấm, nếu thấy bịch nhũn, nhăn nheo, nhẹ như bịch bông gòn thì cần thay bịch mới. Đối với các bịch cũ cần thu dọn và vệ sinh sạch sẽ.
Đức Anh