Rốn trẻ sơ sinh sưng đỏ dễ viêm động mạch

(khoahocdoisong.vn) - Viêm động mạch rốn thường nhiễm khuẩn máu và viêm phúc mạc dễ tử vong nên cần phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Cấu trúc rốn có động mạch, tĩnh mạch có chức năng tuần hoàn nuôi dưỡng rốn. Khi động mạch rốn bị nhiễm khuẩn nặng, vi khuẩn phần nhiều là tụ cầu, liên cầu. Biểu hiện, da bụng xung quanh rốn, dưới rốn sưng đỏ, đau, viêm tấy và lan đến phần sinh dục ngoài. Cơ thẳng, bụng to, căng, đau. Dùng tay vuốt từ xương mu ngược lại đến rốn, thấy mủ chảy ra. Gan, lá lách không to.

Bệnh có thể nặng dần lên, bụng căng to, nề, xuất hiện tuần hoàn bàng hệ (là những tĩnh mạch màu xanh nổi chi chít trên da bụng và ngực). Gan, lá lách to. Rốn có nhiều mủ và đau. Bệnh nhi sốt cao 39 – 40oC, bỏ chơi, bỏ bú, quấy khóc, ngủ kém, sút cân, toàn trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Tại rốn có nhiều mủ và xuất hiện viêm phúc mạc.

Viêm động mạch rốn thể nhẹ hay nặng đều cần đưa trẻ đến bệnh viện, không được tự điều trị ở nhà vì dễ tử vong nhiễm khuẩn máu và viêm phúc mạc. Tại bệnh viện điều trị theo phác đồ. Dùng kháng sinh diệt khuẩn gram âm, theo dõi nhiễm khuẩn máu và viêm phúc mạc.

Tại vùng rốn để hở, cắt lọc các tổ chức bị hoại tử, rửa bằng nước oxy già 3% rồi lau khô, rắc thuốc kháng sinh cho đến khi khỏi. Đặc biệt, cần nâng cao thể lực cho trẻ bằng cách cho bú theo nhu cầu, không bú theo giờ, để trẻ có sức chống đỡ các tác nhân gây bệnh từ ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Phòng tránh: Tuyệt đối không để nhiễm khuẩn rốn, rốn phải luôn khô, không bị ướt, thay băng với dụng cụ vô khuẩn, mỗi ngày thay băng 1 lần. Dùng bông thấm cồn iốt 2% rửa sạch các chất bẩn 3 lần/ngày, mỗi lần thay 3 miếng bông. Nếu rốn có mủ phải rửa rốn bằng nước oxy già 3%, sau đó lâu bằng cồn iốt 2%, rắc bột kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ rồi băng lại. Thay băng cho đến khi nào rốn khô và rụng.

BS Nguyễn Hoàng Anh ( nguyên bác sĩ Bệnh viện E)

Theo Đời sống
back to top