Bài toán nước biển dâng
Ngày 26/11, tại hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường phải là quan điểm chủ đạo của cả quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng, là quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển; lấy “thích ứng” với biến đổi quy hoạch làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng.
Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, cần xác định ĐBSCL không chỉ là nơi sản xuất mà trước hết đây là nơi sinh sống, là nét văn hóa sông nước. Quy hoạch vùng ĐBSCL cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, lý do vì bối cảnh là không chắc chắn. Hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai; lợi thì trước mắt nhưng hại thì bộc lộ dần về lâu dài, lợi dễ nhìn thấy nhưng hại khó nhận ra và lợi thì hẹp nhưng hại thì rộng.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là bối cảnh không chắc chắn, là quá trình dần dần và sẽ còn cập nhật nhiều lần. Ảnh hưởng phía thượng nguồn sông Mekong mà cụ thể là thủy điện hay biến đổi khí hậu ở phía thượng nguồn cũng chưa chắc chắn. Do vậy, không nên lấy cực đoan làm nền để quy hoạch. Việc ưu tiên cho ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp, giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị, logistics tốt hơn, giao thông kết nối, thị trường tốt hơn; ưu tiên giải quyết sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi. Ưu tiên giải pháp phi công trình hơn giải pháp thành trì kiên cố; công trình chỉ nên cỡ nhỏ, chỉ nên kiểm soát, không nên ngăn mặn…
Lưu tâm đến bồi lở, sụt lún
TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước đã sử dụng ảnh vệ tinh để theo dõi diễn biến theo chiều ngang và theo chiều đứng của đoạn sông Hậu, của đường bờ trong 41 năm (1979 – 2020) cho thấy có sự biến động của đoạn sông Hậu và của cù lao Mỹ Hòa Hưng trong 41 năm qua là nhanh về tốc độ và mạnh về cường độ. Tác nhân từ con người, cụ thể là lấn sông, trong phát triển Thành phố Long Xuyên, không phải chỉ riêng ở thành phố này mà cũng ở các thị trấn An Châu, Cái Dầu, thị trấn mới của Châu Phú… đến Châu Đốc (vừa được “lên” thành phố). Một lý do là vì các đô thị này được xây dựng dọc theo sông Hậu, trên đê ven sông mà chiều ngang không rộng. Sau đê ven sông là bưng sau đê cao trình mặt đất thấp. Cát sẵn đó, thổi lên là tôn cao được nền để xây dựng.
“Cứ chỗ nào xây được là xây, chỗ nào ngăn được là ngăn. Phát triển đô thị theo chiều hướng gia tăng các công trình bê tông cốt thép… sẽ chỉ làm sụt lụt trầm trọng hơn, nước biển dâng cao hơn và nguy cơ hiện hữu là mất trắng đất sinh kế”, TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho hay.
Bồi và lở là một cặp phạm trù, không phụ thuộc vào ranh giới hành chính mà tuân theo quy luật và mang tính hệ thống, động. Không thể “chỉnh trị dòng sông” để giải quyết xói lở, hay phòng chống thiên tai có hiệu quả mà không xét đến hai mặt của cặp phạm trù với các đặc trưng này. Để quy hoạch, cần sử dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ số, trong các lĩnh vực ảnh vệ tinh và xử lý ảnh vệ tinh, mô phỏng số ngày nay cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học các công cụ theo dõi biến đổi những địa bàn từ rộng đến hẹp để từ đó có những đề xuất và ra quyết định thích hợp có cơ sở khoa học.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cần có một cách nhìn khác, những quy chuẩn khác về xây dựng trong quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp hơn với ĐBSCL, nơi mà cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu, sụt lún tự nhiên và sụt lún nhân tạo cao (từ khai thác nước ngầm, xây dựng công trình…) để các thành phố, thị trấn ở ĐBSCL có thể phát triển bền vững.