Thuận tiện cho người dân lẫn cơ quan quản lý
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, thay vì phải kê khai thủ công bằng giấy hoặc quét mã qua giấy in mã QR dán trên tường, hành khách ra - vào trong bến xe chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại thông minh có cài app PC-Covid hoặc VNEID của Bộ Công an quét qua camera là khai báo y tế nhanh chóng, thuận tiện. Những thao tác này chỉ mất chưa tới 2 giây.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình trao đổi với phóng viên: Trước khi Bộ Công an triển khai lắp đặt hệ thống quét mã QR tại bến xe, Ban Quản lý bến xe đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch vô cùng chặt chẽ như tuyên truyền nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh. Thêm vào đó lãnh đạo bến xe đã phân công nhân viên túc trực liên tục nhắc nhở 100% khách đến bến phải đeo khẩu trang và hướng dẫn khai báo y tế tại bàn hoặc quét mã QR trên giấy để thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo chung của thành phố.
Việc được trang bị thêm máy quét QR của Bộ Công an là vô cùng thuận tiện cho người dân và Ban Quản lý bến xe vì nhiều người dân là lao động phổ thông hoặc người cao tuổi vẫn chưa quen sử dụng điện thoại thông minh để quét mã vạch, thay vào đó họ phải ra bàn khai báo y tế thủ công. Việc này mất rất nhiều thời gian chờ đợi và gây ra tình trạng ùn tắc tại cửa kiểm soát. Khi có hệ thống máy này, người dân chỉ việc dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip quét qua camera của máy là đã hoàn thành khai báo y tế.
Trao đổi với phóng viên, ông N.Đ.Quang (55 tuổi quê ở Phú Thọ) đang ở Bến xe Mỹ Đình đợi xe về quê cho biết: Ông cùng vừa thực hiện khai báo y tế bằng cách quét thẻ CCCD thông qua sự hướng dẫn của nhân viên bến xe. Trước kia mỗi lần đi xe đều phải ra khai báo thủ công do không có điện thoại thông minh. Do đảm bảo khoảng cách trong phòng chống dịch nên có lúc phải đợi khá lâu mới đến lượt khai báo, điều này rất bất tiện, giờ đây thực hiện khai báo chỉ mất có 2 giây.
Về vấn đề bảo mật thông tin cho hành khách khi khai báo tại bến, ông Sơn cho biết, khi khách hàng đến bến và thực hiện khai báo y tế qua hình thức điện tử hoặc quét mã qua máy của Bộ Công an thì thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối. Vì dữ liệu của khách hàng được chuyển thẳng về cơ quan quản lý như Bộ Công an, Bộ Y tế…. chứ bến xe không nắm giữ thông tin của khách hàng. Do vậy, không sợ bị lộ thông tin cá nhân.
Vẫn còn những lỗi cần được khắc phục
Mặc dù vô cùng thuận tiện, nhanh chóng, nhưng hệ thống mà Bộ Công an vừa trang bị tại hai bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình vẫn còn gặp một số những trục trặc nhỏ chưa được khắc phục như camera không nhận diện được mã QR trên điện thoại, hay hệ thống hiển thị thông tin sai lệch so với thông tin trên ứng dụng của người dân khiến họ buộc phải khai báo theo cách truyền thống.
Có mặt tại hai bến xe nếu trên, phóng viên đã ghi nhận thực tế, một số hành khách khi dùng mã QR trên ứng dụng PC-Covid để quét qua hệ thống camera của máy quét QR, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi văcxin, nhưng máy lại cho kết quả chưa tiêm văcxin.
Chị Phan Thị Châu, một hành khách thực hiện khai báo y tế tại Bến xe Giáp Bát cho biết, chị cũng vừa gặp tình trạng nêu trên nên phải thực hiện khai báo lại bằng cách quét QR in trên giấy của bến xe. Chị rất mong tình trạng này sớm được khắc phục để người dân thực hiện khai báo được nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Lý giải vấn đề này ông Sơn cho biết: “Có thể người dân đã dùng số chứng minh thư cũ khi đăng ký tiêm chủng, hiện tại đã đổi sang chứng minh thư có gắn chip nên hệ thống chưa kịp cập nhật. Chúng tôi cũng đã ghi nhận những phán ảnh của hành khách và sẽ có kiến nghị nên cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề này, nhằm phục vụ hành khách một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất”.
Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội tiếp tục lắp đặt thêm các camera quét mã QR để phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phục vụ nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông.