Hỏi: Tôi ở vùng biển nên quen ăn đậm đà. Quê tôi có nhiều loại mắm, thức ăn gì cũng chấm với mắm, ăn lẩu cũng cho mắm, ăn nhiều thành quen và thấy khỏe mạnh. Vừa rồi, một số người ở quê tôi đi khám được phát hiện bệnh sỏi thận, nhiều người đã suy thận giai đoạn nhẹ, không biết có phải do ăn mặn không?
Đậu Văn Hanh (Thanh Hóa)
ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, ăn nhiều muối không tốt cho bệnh thận, đặc biệt là sỏi thận. Tiêu thụ nhiều muối (sodium) làm tăng sự bài tiết canxi của thận.
Thực phẩm chứa nhiều muối và đạm sẽ làm cho giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra chúng còn làm cho giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi. Ăn thực phẩm ít muối và ít đạm động vật giúp tránh các bệnh về tim mạch như: tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành.
Người đã bị sỏi thận cần hạn chế ăn thực phẩm chứa chất purin như: hải sản, thịt các loại, các loại phủ tạng động vật… vì đó là những chất tự nhiên chuyển hóa hoặc phân hủy thành axit uric trong nước tiểu và góp phần hình thành sỏi thận. Thận có chức năng bỏ bớt lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, gọi là nước tiểu.
Khi ăn thừa muối, hàm lượng muối trong lòng mạch máu tăng cao hơn bình thường và làm mất sự cân bằng muối trong cơ thể, khiến thận phải thải muối cùng với nước qua nước tiểu. Nếu phải làm việc trong một thời gian dài, thận sẽ trở nên yếu đi. Do vậy chế độ ăn giảm muối giúp giảm gánh nặng làm việc cho thận phòng ngừa suy thận.