Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản thí điểm xử lý khá thành công ô nhiễm tại hồ Hùng Thắng, TP Hạ Long bằng công nghệ Bakture. Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, kết quả nổi bật nhất sau khoảng 2 tháng thí điểm xử lý tại một trong những hồ lớn và ô nhiễm nặng nhất tại Hạ Long là tỷ lệ oxy trong nước tăng mạnh, cá không còn chết hàng loạt, mùi hôi thối cũng giảm hẳn.
Cụ thể, trước thời điểm các chuyên gia Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm cứu hồ Hùng Thắng, nhiều thông số về môi trường đều vượt giới hạn nhiều lần cho phép, như: Nitrit vượt gấp 3,46 lần, Amoni vượt 2,86 lần, COD vượt hơn 1,47 lần.
Đợt lấy mẫu phân tích thứ 2 một tháng sau đó, một số chỉ số vẫn vượt mức cho phép nhưng đã giảm nhiều và nhiều chỉ số khác đã nằm trong giới hạn cho phép. Đợt lấy mẫu thứ 3 sau khi kết thúc quá trình thí điểm xử lý, hầu hết các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, BOD5 và COB – là lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hữu cơ và các hợp chất hóa học trong nước và Asen, thủy ngân… đều đạt giới hạn theo quy chuẩn.
Từ cơ sở trên, UBND tỉnh Quảng Ninh giao các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng phương án sử dụng công nghệ Bakture để xử lý 4 hồ điều hòa đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Hạ Long và thí điểm xử lý môi trường tại một số ao, đầm nuôi trồng thủy sản ở những vùng ven biển trong tỉnh.
Các chuyên gia Nhật Bản xử lý ô nhiễm tại hồ Hùng Thắng. |
Theo các chuyên gia Nhật Bản, bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, với công nghệ riêng biệt, giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường.
Công nghệ sử dụng bột Bakture hoạt động theo nguyên lý thông qua vòng tuần hoàn sinh thái tự nhiên để tự phân hủy các chất ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển.