Giải mã công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch

(khoahocdoisong.vn) - UBND TP Hà Nội đang triển khai dự án thí điểm xử lý, làm sạch 300m sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Công nghệ này sẽ làm sạch sông Tô Lịch như thế nào?

Giảm mùi hôi

Sau 3 ngày thực hiện xử lý, làm sạch 300m sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano đối với đoạn sông từ Bưởi đến nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt, ngày 20/5, đại diện Viện Công nghệ môi trường đã lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nguồn nước.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại hiện trường, đại diện tổ lấy mẫu nước - Viện Công nghệ môi trường cho biết: Đơn vị lấy mẫu giám định chất lượng nước trên sông Tô Lịch để kiểm tra và đối chiếu với thời điểm chưa xử lý.

Dự kiến, sau 7  ngày làm việc, các mẫu nước lấy ngày 20/5 sẽ có kết quả, tuy nhiên đánh giá nhanh một vài chỉ số nồng độ oxy, pH… trong nước, đại diện Viện Công nghệ môi trường cho rằng, các chỉ số này đã được cải thiện tại vị trí đặt máy Nano - Bioreactor, mùi hôi của nước sông Tô Lịch tại đây cũng giảm rõ rệt.

Bioreactor hoạt động dựa trên 2 yếu tố là phân hủy sinh học chất hữu cơ và tách sinh khối vi khuẩn bằng màng lọc nano. Các vi sinh ở các tấm màng lọc chất bẩn Bioreactor sẽ phá vỡ kết cấu của chất thải trong nguồn nước, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải có trong nguồn nước. Máy có thể xử lý 1,35 triệu m3 nước thải/ngày đêm. Việc thí điểm xử lý nước thải này hoàn toàn miễn phí.

Theo Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị triển khai thí điểm dự án, lắp đặt thiết bị và sử dụng rất dễ dàng. Cụ thể, để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đơn vị đã đặt các tấm vật liệu Bioreactor cố định xuống lòng sông, bên trong các tấm vật liệu là máy sục khí nano.

Cùng với tấm vật liệu Bioreactor, máy sục khí nano hoạt động sẽ làm sạch nước sông.  Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, khiến các vi sinh vật có lợi phát triển.

Khó áp dụng cả chiều dài sông

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch phải làm có hệ thống cả con sông chứ không thể làm từng đoạn. Công nghệ Nano-Bioreactor rất hiệu quả nếu xử lý nước ở khu vực hẹp, nước tĩnh.

Sông Tô Lịch đoạn từ dốc Bưởi đến nút giao Hoàng Quốc Việt có 3 vị trí đặt các máy sục Nano dưới lòng sông, mỗi vị trí có từ 3 đến 4 máy sục. Dọc 14 km sẽ cần đến rất nhiều máy, chi phí rất lớn trong khi nếu nước thải vẫn cứ đổ ra sông thì ô nhiễm vẫn kéo dài.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để giải quyết được ô nhiễm nước trên sông Tô Lịch, giải pháp căn bản nhất vẫn là ngăn ngừa, thu gom, xử lý được toàn bộ hệ thống nước thải ở hai bên bờ xả xuống. Nếu không làm được việc này thì mọi giải pháp chỉ giải quyết được phần ngọn.

Việc sử dụng công nghệ của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch rất khó khả thi, do hiện nay mực nước sông rất thấp và không có dòng chảy. Trường hợp gặp mưa lớn, nước sông được lưu thông và có nguồn nước sạch bổ trợ thì sẽ trong hơn trong một vài ngày. Sau đó nắng lên, nguồn nước thải ra sông vẫn không thay đổi thì mùi hôi thối, ô nhiễm vẫn sẽ không được giải quyết tận gốc.

“Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý nước thải, nhưng chắc chắn không phải là “bảo bối” để xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Chúng ta cần đến nhiều giải pháp hơn nữa mới làm sạch tận gốc được dòng sông ô nhiễm này”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Dự kiến, việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor sẽ được triển khai trong 2 - 3 tháng. Sau đó đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan tại Hà Nội sẽ đánh giá kết quả, tính khả thi của dự án.

Theo Đời sống
back to top