Làm sạch sông Tô Lịch, khó có công nghệ tối ưu

(khoahocdoisong.vn) - Đã có nhiều dự án cải tạo nước sông Tô Lịch nhưng đều không thể triển khai, bởi không có công nghệ tối ưu nếu không kiểm soát được nguồn nước ô nhiễm.

Sông Tô Lịch sạch sau 3 ngày?

Chiều 11/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do TS Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản dẫn đầu. Tại cuộc gặp, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo đó, Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.

TS Tadashi Yamamura khẳng định đã điều tra, khảo sát trong hai năm để đưa ra đề nghị trên. Ông hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các chuyên gia Nhật Bản làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên Môi trường, TP Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án làm sạch sông Tô Lịch và có tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét để quyết định chủ trương.

TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, bà mới chỉ nghe qua về việc xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ bio – nano nhưng không nắm được chi tiết nên không biết phía Nhật Bản sẽ xử lý nước sông như thế nào. Chỉ có điều trước đây cũng đã có nhiều dự án, nhiều đơn vị có ý định hợp tác xử lý nước sông Tô Lịch nhưng không làm được. “Năm 2010 chúng tôi có mời các chuyên gia Nhật Bản sang khảo sát để xử lý nước sông Tô Lịch cũng bằng công nghệ sinh học. Đáng tiếc là các chuyên gia đều “lắc đầu” khi đi khảo sát thực tế. Lý do là ai cũng thấy nước thải sinh hoạt đang xả trực tiếp ra sông Tô Lịch từ hai bên bờ sông. Nếu xử lý nước sông mà không có hệ thống thu gom xử lý nước thải trước khi đổ vào sông thì có dùng công nghệ gì cũng không làm được”, TS Tăng Thị Chính cho biết,

Giải pháp công nghệ chỉ là tạm thời

Cũng theo TS Tăng Thị Chính, mới đây Hà Nội cũng có ý tưởng dẫn dòng nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch, về bản chất cũng chỉ là làm loãng ra nước ô nhiễm chứ không xử lý được. Nếu nước thải không được thu gom mà vẫn xả trực tiếp ra sông như hiện nay thì công nghệ nào cũng chỉ là tạm thời. 

“Nhà tôi ở ngay cạnh sông Tô Lịch nên tôi rất hiểu và mong có một giải pháp làm sạch dòng sông. Chỉ có điều chắc chắn đây là vấn đề rất khó. Có duy nhất một thời gian sông Tô Lịch trong xanh đầy nước mà tôi chứng kiến là khi Hà Nội ngập. Lúc đó, sông Tô Lịch rất sạch, nhưng chỉ kéo dài đâu đó khoảng 1 tháng. Gần đây tôi nghe nói có dự án dự định xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho sông Tô Lịch, tôi rất hy vọng sẽ được triển khai. Bởi thu gom và xử lý nước thải là vấn đề mấu chốt để xử lý nước sông Tô Lịch, chứ không phải là công nghệ. Nếu không ngăn được nước thải đổ vào sông thì mọi công nghệ đều chỉ là giải pháp tình thế”, TS Tăng Thị Chính cho biết.

GS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho biết, nếu thu gom được hết nước thải, để sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải đã qua xử lý thì dòng sông chắc chắn sẽ trong xanh, sạch đẹp. Tạo cho sông có một chu trình xử lý sinh học tự nhiên như trồng các bè cây thủy sinh làm sạch nước, vừa tạo cảnh quan, vừa làm sạch bền vững. Bởi quan trọng nhất là việc xử lý này phải mang tính bền vững chứ không phải chỉ làm sạch một vài tuần rồi mọi thứ lại đâu vào đó thì vô nghĩa.

Bảo Khánh

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.

Theo Đời sống
back to top