Công nghệ Nano-Bioreactor được nghiên cứu, ứng dụng tại Nhật Bản, được khẳng định đã áp dụng để xử lý thành công hơn 300 điểm ổ nhiễm trên khắp nước Nhật Bản và một số nước như Thái Lan, Indonesia.
Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản đã phải dành khoảng 2 năm làm các cuộc khảo sát, điều tra ô nhiễm sông Tô Lịch xác định hướng giải quyết. Việc áp dụng công nghệ Nano-Bioreactor, máy sục khí Micro Nano và tấm vật liệu Bioreactor sẽ được đặt trong lòng sông giúp xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm, mùi hôi và phân giải lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, không cần tách nước thải vào sông. Đây là một công nghệ hoàn toàn tự nhiên, giúp giảm chi phí xây dựng nhà máy, chi phí bảo trì các thiết bị, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời bỏ được cách làm truyền thống là ngắt toàn bộ hệ thống nước chảy vào sông Tô Lịch rồi nạo vét bùn, mà vẫn không xử lý được triệt để ô nhiễm.
Được biết, việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, sau khi làm việc với đoàn chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Tổ chức xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản ngày 11/4/2019. Tới ngày 9/5, UBND thành phố Hà Nội cũng đồng ý cho phép tiến hành việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ này.