Phương pháp điều trị xẹp đốt sống nặng do loãng xương

(khoahocdoisong.vn) - Vít nở rỗng nòng có thể bơm xi măng qua thân vít, vừa làm chắc vít, vừa bổ sung xi măng vào trong thân đốt “xi măng cốt sắt” điều trị xẹp đốt sống nặng.

Loãng xương nặng gây đau khắp nơi và gù

Bệnh nhân nữ, 84 tuổi, tiền sử cao huyết áp. Được đưa đến viện bằng xe lăn. Bệnh nhân đau lưng dữ dội với mức độ đau 8/10. Người bệnh không thể đứng lên được vì đau lưng. Bệnh nhân đã đau lưng trên 10 năm nay thường xuyên, 1 năm nay thì lưng gù dần, đã đi viện điều trị thuốc nhiều đợt trong năm nhưng không đỡ.

Đợt này bệnh nhân đau tăng lên dữ dội kèm theo không có đau lan xuống mông-chân mà đau lan sang hai bên sườn.
Bệnh nhân được chụp X - quang thường và X - quang tư thế động cùng với chụp cộng hưởng từ. Kết quả: Xẹp đốt sống đa tầng, nặng nhất đốt sống ngực 11 và đốt sống lưng L1. Đo mật độ xương thì loãng xương rất nặng: Tscore: -4,9 (-2,5 là loãng xương có nguy cơ gãy xương).

Cần phát hiện sớm loãng xương. Ảnh minh họa.

Cần phát hiện sớm loãng xương. Ảnh minh họa.

BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, do bệnh nhân bị xẹp đốt sống D11 và L1 quá nặng không còn chỉ định bơm xi măng, có biểu hiện mất vững cột sống nên bệnh nhân được lựa chọn phương pháp điều trị bắt vít cố định cột sống, với lựa chọn vít hai nòng.

Đây là phương pháp chuyên dụng dành cho bệnh nhân loãng xương (sau khi vít qua cuống vào thân đốt sống thì thân vít mở rộng trong thân đốt sống sát cuống sống giúp cho vít bắt chắc và cố định vào thân mặc dù bệnh nhân loãng xương rất nặng).
Một phương pháp nữa thường được áp dụng là vít rỗng nòng có thể bơm xi măng qua thân vít vừa làm chắc vít vừa bổ sung xi măng vào trong thân đốt “xi măng cốt sắt”.

Sau mổ 1 ngày bệnh nhân được mặc áo nẹp ngoài nằm tư thế đầu cao tăng dần và có thể nghiêng hai bên tránh biến chứng viêm phổi người già. 5 ngày sau mổ bệnh nhân tập đứng và đi lại dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ phục hồi chức năng.

Phát hiện điều trị sớm tránh hậu quả nghiêm trọng

Từ trường hợp của bệnh nhân trên, BS Vũ khuyến cáo, loãng xương ở người cao tuổi nên được phát hiện sớm. Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, thường chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng sau thì có thể nghĩ tới loãng xương và nên đi khám:

–  Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.

– Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy

– Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống

– Gẫy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.

 Xẹp đốt sống ở người cao tuổi phải can thiệp thì tốt nhất là sử dụng phương pháp bơm xi măng với hiệu quả và thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, khi đã xẹp quá nặng thì các phương pháp điều trị khác dù có giúp cho người bệnh khắc phục được và tái hòa nhập cộng đồng nhưng sẽ mất thời gian và phức tạp hơn
Đã chẩn đoán loãng xương, đặc biệt có kèm gãy xương bệnh lý và lún xẹp cột sống thì cần duy trì điều trị cả đời với sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Đôi khi người bệnh lầm tưởng chỉ cần can thiệp tối thiểu như bơm xi măng là ổn định rồi bỏ thuốc, hậu quả các các đốt sống khác sẽ có nguy cơ bị lún xẹp, nguy cơ gãy xương tăng lên.

Một số các phương pháp chẩn đoán loãng xương:

X - quang quy ước: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (gãy làm xẹp và lún các đốt sống)

Đo khối lượng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép ở các vị trí trung tâm như xương vùng hông hoặc cột sống thắt lưng, để chẩn đoán xác định loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.

Đo khối lượng xương ở ngoại vi (gót chân, ngón tay…) bằng các phương pháp (DXA, siêu âm…) được dùng để tầm soát loãng xương trong cộng đồng.

Theo Đời sống
back to top