Phường Hạ Đình (Hà Nội) có “bất lực” trước rác thải?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều năm qua, người dân tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải sống chung với những bãi rác tự phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống.

Bãi rác cạnh nhà máy nước sạch!

Sáng ngày 7/5, tại địa bàn phường Hạ Đình, người dân dẫn PV báo KH&ĐS đến bãi rác ở ngõ 129 Nguyễn Xiển. Đây được coi là “điểm đen” gây mất mỹ quan đô thị và môi trường của phường Hạ Đình.

Bãi rác này tập trung các loại rác thải từ bao bì, rác xây dựng, rác sinh hoạt, thậm chí là rác công nghiệp… chất thành đống. Đối diện bãi rác là nhà máy nước sạch Hạ Đình và trụ sở của lực lượng cảnh sát PCCC.

Chia sẻ với PV, một cư dân tại ngõ 129 bức xúc: Ý thức người dân ngày càng kém. Họ chỉ quan tâm sạch nhà mình, vất rác bữa bãi xuống đường đi. Ngõ ngách đã nhỏ hẹp, nay di chuyển lại càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt là mùi hôi thối khó chịu sau những ngày mưa xuống nắng lên làm ai đi qua cũng phải bịt mũi. Người dân ngõ 129 Nguyễn Xiển cho biết, có thời gian, do không được dọn dẹp nên giòi bọ từ bãi rác này bò cả ra đường

Đặc biệt, theo người dân, nước từ bãi rác này chảy đã chảy xuống hồ nước bên cạnh và làm nước trong hồ nước nhiễm nghiêm trọng. Đáng nói là, bãi rác tồn tại đã lâu, lại nằm cạnh một nhà máy nước sạch nên dân tình ngày càng lo lắng về nguồn nước mà họ đang sử dụng.

Theo quan sát tại ngõ 129 Nguyễn Xiển, nhiều cá nhân đi xe máy quẳng những túi rác vào đây. Có những túi rác không được gói ghém tung tóe rác bên trong xuống mặt đường. Thậm chí, có những người đem cả bao tải xỉ than nhưng không chằng buộc “tương” thẳng xuống đường.

Bãi rác tại ngõ 129 Nguyễn Xiển, cạnh nhà máy nước Hạ Đình.

Bãi rác tại ngõ 129 Nguyễn Xiển, cạnh nhà máy nước Hạ Đình.

Cạnh phường cũng là bãi rác!

Cách vị trí bãi rác này không xa, chúng tôi nhận thấy còn nhiều “điểm đen” tập kết rác thải. Với những rác thải xây dựng như xi măng, gạch, sắt thép… hay những đồ dùng gia đình cũ hỏng như bàn ghế, tủ kệ, đệm… nếu không kí hợp đồng và mất một khoản phí tương đối lớn cho đơn vị thu gom thì sẽ không được xử lý. Lao công khi dọn rác còn kéo những loại rác thải này ra giữa đường, gây ùn tắc giao thông và nguy hiểm cho việc đi lại nhất là vào buổi tối.

Qua khảo sát, phóng viên ghi lại được hình ảnh rác thải cành cây củi mục nằm chất đống ngay đối diện Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân tại ngõ 282 đường Khương Đình. Cuối con ngõ này, trước trụ sở của phía điện lực cũng lại một đống rác thải xây dựng nằm chềnh ềnh trước cổng. Đến nơi yêu cầu đảm bảo vệ sinh nhất như Trung tâm Y tế cũng đang trở thành “điểm đen” của rác thải thì lấy điều gì ra để đảm bảo đến việc khám chữa bệnh cho dân cư tại khu vực này.

Rác gần cổng UBND phường Hạ Đình.

Rác gần cổng UBND phường Hạ Đình.

Dọc theo đường Khương Đình, bên cạnh dòng sông đang bốc mùi là la liệt bàn ghế cũ hỏng, rồi gương kính vỡ xếp lấn hết cả vỉa hè. Nhiều người tại đây thấy chướng tai gai mắt nhưng không phải việc của mình nên đành im lặng.

Cách trụ sở UBND phường Hạ Đình không xa cũng lại xuất hiện một “kho rác” xếp thành đống. Người làm nghề đồng nát đến đây lục bới phân loại, còn rác thải để lại tràn đầy ra lòng đường. Phía trên vỉa hè là gỗ mục từ bàn ghế bỏ đi của ai đó xếp lấn hoàn toàn vỉa hè.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch phường Hạ Đình cho biết: Phường đã cho triển khai rất nhiều biện pháp, như gửi thư ngỏ, phát tờ rơi, kí cam kết, tổ chức họp tổ dân khu phố để tuyên truyền. Thậm chí là địa phương tổ chức thường trực tại chỗ để kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng vất rác bữa bãi vẫn còn đang tiếp diễn.

Gỗ mục từ bàn ghế tập kết lấn hết cả vỉa hè.

Gỗ mục từ bàn ghế tập kết lấn hết cả vỉa hè.

Ông Hưng lý giải, do phường không có điểm tập kết rác thải nên tình trạng rác tràn lan khiến người dân bức xúc. Tạm thời dọc đường phố tại các đầu ngõ là điểm tập kết rác thải sinh hoạt và được dọn sạch sẽ trong ngày. Còn rác thải từ cây cối, bàn ghế… thì để ở vị trí khác và xe thu gom đi lần/tuần để vận chuyển.

Bàn về những khó khăn trong quá trình kiểm soát việc xả rác bữa bãi, ông Hưng cho hay: Phường không có điểm thu gom rác. Ngõ 129 Nguyễn Xiển xa dân cư, lại là đất dự án nên phường tạm thời để tập kết rác tại đó.

“Những vị trí rác thải mà phóng viên chụp, tôi công nhận là thuộc địa phàn phường Hạ Đình. Tuy nhiên là ý thức của người dân rất kém, rồi tình trạng trạng đổ trộm rác thải xây dựng, cộng với sự lười nhác của đơn vị ký kết thu gom nên gây ra tình trạng ô nhiễm đó”, ông Hưng cho hay.

Khi chúng tôi cho ông Hưng xem hình ảnh chụp cận cảnh một đống rác thải công nghiệp, ông Hưng nói: Đó có thể là rác thải của một công ty sản xuất khăn tay trên địa bàn. Công ty này cũng từng bị phạt do đổ rác thải không đúng nơi quy định.

Đống rác thải công nghiệp được cho là của 1 đơn vị sản xuất khăn tay.

Đống rác thải công nghiệp được cho là của 1 đơn vị sản xuất khăn tay.

4 “điểm đen” dẹp 3 còn 1

Thực thi theo Nghị định 155, phường cũng đã thi hành phạt hành chính… Tuy nhiên, thẩm quyền của phường chỉ có thể thực thi theo phương án phạt những đối tượng đổ rác không đúng nơi quy định. “Vừa rồi chúng tôi cũng bắt được 2 trường hợp đi xe ba giác đổ chất thải, và phạt 5 triệu/xe”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, trước đây phường Hạ Đình có đến 4 “điểm đen” về rác thải. Tuy nhiên, sau khi triển khai kí cam kết, cùng với sự giúp đỡ của các tổ dân phố, phía công an, lắp đặt hệ thống camera giám sát… thì đã giải quyết được 3 điểm. Chỉ còn 1 điểm tại gầm cầu đường Nguyễn Xiển.

“Điểm đen” rác thải tại gầm cầu Nguyễn Xiển.

“Điểm đen” rác thải tại gầm cầu Nguyễn Xiển.

Tại “điểm đen” gầm cầu Nguyễn Xiển, theo quan sát của phóng viên không ngày nào là rác thải không thành đống. Thậm chí, theo ông Hưng là rác thải nhiều quá mà toàn là các nơi đến đổ trộm khiến cho đơn vị thu gom phải cầu cứu UBND phường.

“Phường rất quyết liệt đối với nạn rác thải, chúng tôi cũng đã kiến nghị lắp camera tại “điểm đen” Nguyễn Xiển này. Tuy nhiên, phải nói là đối phó với nạn đổ trộm rác là rất khó”, ông Hưng giãi bày.

“Khi một công trình phá dỡ hoặc xây dựng đều phải có cam kết và hợp đồng ký kết với 1 đơn vị thu gom phế thải. Tuy nhiên, với những trường hợp sửa chữa nhỏ lẻ, chính quyền không thể kiểm soát được. Người dân tiếc tiền thu gom nên thuê người đổ trộm ra các nơi”, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình.

Theo Đời sống
Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Những ngày đầu tháng 11/2024, khi lưu thông trên đường Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn thấy hàng cây xanh đã khá lớn trồng ở bên lề, đoạn dài hàng trăm mét bị cháy rụi và đang trong giai đoạn chết dần.
back to top